Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hướng đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 1: Tạo bước đột phá về kinh tế

(DÂN SINH) - Trong nhiệm kỳ qua (2015-2020), tỉnh Thanh Hoá đã có những bước đột phá về kinh tế, với những con số ấn tượng nhất từ trước đến nay. Tạo những bước tăng trưởng mạnh mẽ, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội.

Tốc độ tăng trưởng cao nhất

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá trong suốt nhiệm kỳ qua đã luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đạt kết quả toàn diện, dự kiến có 26/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 12,5%, vượt mục tiêu Đại hội (12%), gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 133.816 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.670 USD, gấp 1,9 lần năm 2015.

Hướng đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 1: Tạo bước đột phá về kinh tế - Ảnh 1.

Lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam

Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển toàn diện; tích tụ, tập trung đất đai đạt kết quả bước đầu, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi được hình thành và phát triển, thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả tích cực, đã có các dự án quy mô lớn được triển khai thực hiện. Đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành bình quân hàng năm dự kiến đạt 3%, vượt kế hoạch, giá trị sản xuất năm 2020 dự kiến đạt 29.176 tỷ đồng, gấp 1,16 lần năm 2015.

Công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, bình quân hàng năm dự kiến tăng 21,2%, vượt kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay; năm 2020 dự kiến đạt 151.300 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ.

Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước), triển khai xây dựng một số dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và sản xuất tiểu thủ công nghiệp được quan tâm phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng bình quân hàng năm dự kiến đạt 11,5%; năm 2020 dự kiến đạt 63.250 tỷ đồng, gấp 1,72 lần năm 2015. Các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Dịch vụ phát triển khá, nhiều lĩnh vực khởi sắc; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm dự kiến đạt 9,1%, vượt kế hoạch. Thương mại nội địa phát triển mạnh theo hướng hiện đại, văn minh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm 13,9%, năm 2020 dự kiến đạt 118.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước về quy mô thị trường.

Hướng đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 1: Tạo bước đột phá về kinh tế - Ảnh 2.

Toàn cảnh Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn về đêm

Giá trị xuất khẩu tăng bình quân hàng năm dự kiến đạt 10,9%; năm 2020 dự kiến đạt 4 tỷ USD, gấp 2 lần mục tiêu Đại hội, gấp 2,8 lần năm 2015. Hạ tầng tại các khu, điểm du lịch được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, cùng với chất lượng dịch vụ được nâng cao, đã tạo ra sức hấp dẫn mới; số lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 15,6%, doanh thu tăng bình quân 31,7%.

Dịch vụ vận tải phát triển đa dạng; vận chuyển hàng hóa, hành khách, xếp dỡ hàng hóa qua cảng đều duy trì tốc độ tăng trưởng khá, logistics có bước phát triển tốt; vận tải hàng không phát triển mạnh, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Dịch vụ tài chính, ngân hàng tiếp tục phát triển, vốn huy động tăng bình quân hàng năm 17,8%, dư nợ tăng bình quân 14,4%. Chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông được nâng cao, mở rộng vùng phục vụ.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn luôn vượt dự toán và tăng trưởng cao, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm dự kiến đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 dự kiến đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015. Việc phân bổ, sử dụng ngân sách được thực hiện theo quy định, đáp ứng kịp thời thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

Các thành phần kinh tế có bước phát triển. Kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh; giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến thành lập mới 14.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 98.000 tỷ đồng; so với giai đoạn 2011 - 2015, gấp 2,6 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,3 lần về vốn đăng ký; dự kiến năm 2020 đạt tỷ lệ 44,7 doanh nghiệp/1 vạn dân, gấp 1,88 lần so với năm 2015. Kinh tế Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động hiệu quả hơn. Kinh tế HTX có chuyển biến tích cực, doanh thu bình quân của 1 HTX năm 2020 gấp 3,4 lần năm 2015.

Thu hút đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho biết: "Mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hoá trong giai đoạn qua đã từng bước chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào vốn đầu tư, sử dụng lao động giản đơn, khai thác, sử dụng tài nguyên; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, chú trọng cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ của người lao động để mở rộng sản xuất, tăng năng suất lao động".

Hướng đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 1: Tạo bước đột phá về kinh tế - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng

"Đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 38,56%, tăng cao so với giai đoạn 2011 - 2015 (đạt 6,2%) (11). Năng suất lao động năm 2020 dự kiến đạt 99,7 triệu đồng, gấp 2,5 lần năm 2015; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 11%/năm, đạt mục Đại hội, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2011 - 2015 (7,53%)"- ông Xứng cho biết thêm.

Bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ năm 2016 đến nay đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.404 tỷ đồng và 3.305 triệu USD; đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cùng với thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tỉnh Thanh Hoá đã chú trọng vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, NGO, nguồn lực của nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội; từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được 13 dự án ODA, với tổng vốn đầu tư 393,6 triệu USD; 226 chương trình, dự án NGO, với tổng vốn đầu tư 30,3 triệu USD. Hoạt động đầu tư công có chuyển biến tích cực, có trọng tâm, trọng điểm và được phân bổ kế hoạch sớm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Hướng đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 1: Tạo bước đột phá về kinh tế - Ảnh 4.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hoá năm 2020

Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 610 nghìn tỷ đồng, đạt mục tiêu Đại hội, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên rõ rệt, chỉ số ICOR từ 14,85 (năm 2015) giảm còn 4,88 (năm 2019). Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng quy mô lớn đã hoàn thành đưa vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hoá. Công tác quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình, dự án được tăng cường.

Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua là rất lớn và có ý nghĩa quan trọng, có thể khẳng định chưa bao giờ tỉnh Thanh Hoá có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Đó là cơ sở, điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hoá tiếp tục vững bước tiến lên, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế.

Bài 2: Tăng tốc với 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá