Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hướng đến môi trường dịch vụ điều trị nghiện ma tuý nhân văn, hiệu quả

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng” do Sở LĐ-TB&XH và Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp quản lý với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI).

Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng và các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý liên quan.

Mục tiêu của mô hình là tạo điều kiện cho người sử dụng và bệnh nhân nghiện ma túy sớm được tham gia điều trị và dự phòng, can thiệp HIV, Lao, Viêm gan B/C ngay tại địa bàn sinh sống; góp phần giảm tỷ lệ cai nghiện bắt buộc; giảm hành vi vi phạm pháp luật và cải thiện toàn diện chất lượng cuộc sống của người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy.

Điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma tuý đặt tại Trạm Y tế phường Cầu Diễn.

Điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma tuý đặt tại Trạm Y tế phường Cầu Diễn.

Theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn thành phố Hà Nội, kì vọng của mô hình là tăng cường sự phối hợp liên ngành trong các cơ quan chuyên môn của thành phố để tiếp cận sớm với người nghiện ma túy, đưa họ vào mô hình điều trị với góc độ can thiệp về chuyên môn. Công tác quản lý về công tác cai nghiện ma túy cũng đòi hỏi nâng cao chất lượng và hiệu quả cai nghiện ma túy hiện nay.

Mô hình có sự tham gia của lực lượng thi hành pháp luật, cụ thể là công an các cấp phường xã tham gia vào mô hình không chỉ dưới cương vị hành chính mà còn dưới vai trò là người hỗ trợ, khiến cho mô hình mang điểm mới đó là sự thân thiện đối với người sử dụng/nghiện ma tuý tại cộng đồng – điều này rất quan trọng trong việc khuyến khích họ tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân. Từ đó, mô hình sẽ cùng lúc giúp thúc đẩy các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng được phát triển và nhân rộng một cách chuyên nghiệp, bài bản, góp phần tạo điều kiện hơn nữa giúp người sử dụng ma tuý cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ được các vấn đề liên quan đến sử dụng ma tuý trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Anh Nguyễn Đình Hưng (tổ 4, phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm), từng sử dụng sau đó cai nghiện ma túy thành công cách đây 10 năm. Thời đó, việc cai nghiện gặp khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Anh phải đối diện với sự kì thị của cộng đồng, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, hỗ trợ việc làm… Với các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện như hiện nay, theo anh Hưng là rất cần thiết - vừa tạo cảm giác thân thiện cho người cai nghiện, vừa dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma tuý và phục hồi toàn diện tại cộng đồng.

Có mặt tại “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng” phường Bồ Đề (Long Biên), anh Nguyễn Hồng Quân, bệnh nhân điều trị nghiện tại cơ sở tỏ ra rất phấn khởi. Theo anh, chương trình này thực sự tốt, bởi anh sẽ không phải chịu sự gò bó, ép buộc như ở trong các trung tâm cai nghiện. Bên cạnh đó, anh còn được ở cùng gia đình, được sự động viên hỗ trợ của người thân giúp anh có động lực và nghị lực cai nghiện. Đặc biệt, tham gia mô hình này, anh Quân vẫn có thể vừa cai nghiện vừa có thể đi làm.

“Mô hình hướng tới yếu tố thân thiện, lực lượng công an địa phương bên cạnh trách nhiệm quản lý, thực thi pháp luật nay đóng vai trò hỗ trợ người sử dụng ma túy (NSDMT), làm tăng sự cởi mở và tin tưởng của NSDMT đối với lực lượng thi hành pháp luật nói chung. Các mô hình tương tự đã được triển khai một số quốc gia đều thu được kết quả tích cực: giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật 60% và tăng tỷ lệ có việc làm gần 30% trong cộng đồng NSDMT tham gia vào mô hình, cũng như tăng cường bình ổn tại địa bàn triển khai.” – Bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – đơn vị cố vấn kỹ thuật cho mô hình, chia sẻ.

10 năm trở lại đây, chính sách của nhà nước cũng như nhận thức của xã hội về người sử dụng ma tuý tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi, điều đó chứng tỏ chúng ta có thể tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực hơn nữa bằng sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành và lĩnh vực. Trong đó, mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng” là nỗ lực nhằm hướng đến một môi trường dịch vụ điều trị nghiện ma tuý nhân văn, hiệu quả và có sự tham gia của cộng đồng.