Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Kênh truyền hình nước ngoài có nhiều vi phạm: "Cấm cửa" được không?

(Dân sinh) - Trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn việc một số doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền than phiền: Các kênh truyền hình trả tiền trong nước từ kiểm soát nội dung đến các quy định về đóng thuế, phí rất chặt chẽ.

Nhưng các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài dường như đang "thả lỏng" về nội dung cũng như việc đóng các khoản thuế, phí. Các doanh nghiệp trong nước mong muốn có sự công bằng.

Kênh truyền hình nước ngoài có nhiều vi phạm: "Cấm cửa" được không? - Ảnh 1.

Kênh truyền hình nước ngoài có nhiều vi phạm: "Cấm cửa" được không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua internet của các nền tảng xuyên biên giới như: Netflix, Apple TV (Mỹ), WeTV (Trung Quốc)… đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỉ đồng.

Theo quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước cơ bản phải tuân thủ quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí, đóng thuế. Quý I/2020 giảm khoảng 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam và năm 2020 tăng trưởng mạnh. Thuê bao của Netflix riêng Quý I tại Việt Nam tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Netflix là cái tên từng xuất hiện nhiều lần trên báo chí vì liên tục phát những nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em; phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (phim Madam Secretary); có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm...

Đáng chú ý là phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" (Put Your Head On My Shoulder) - bộ phim chiếu mạng của Trung Quốc năm 2019, được phát hành qua Netflix Việt Nam với phụ đề tiếng Việt. Cảnh phim nằm ở phút 34:41 của tập 9 bộ phim này: Khi bị đòi quà sinh nhật, một nhân vật lờ đi bằng cách chỉ vào màn hình TV đang phát dự báo thời tiết, trên đó có bản đồ đường lưỡi bò. Điều này khiến dư luận trong nước phẫn nộ, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) yêu cầu gỡ bỏ phim nhưng Netflix Việt Nam không gỡ bỏ mà chỉ cắt cảnh phim có bản đồ đường lưỡi bò.

Được biết từ tháng 7 đến 9/2020, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu Netflix Việt Nam chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam… Cục cũng yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện các thủ tục đề nghị cấp phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam trong trường hợp có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam. Các văn bản này cũng đã được gửi tới đại diện Công ty Netflix khu vực châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở đặt tại Singapore. Thế nhưng Netflix chưa từng phản hồi về các văn bản nói trên của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.

Việc kiểm soát các nền tảng truyền thông xuyên biên giới là điều cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống luật của ta hiện còn những kẽ hở có thể bị lợi dụng. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét; đồng thời, tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đó là điều rất cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng!