Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần giúp khu vực nông thôn phát triển sản phẩm hàng hóa đặc thù. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm OCOP lưu thông trên thị trường gặp không ít khó khăn.

Theo số liệu thống kê, cả nước có hơn 8.478 sản phẩm OCOP của 59 tỉnh, thành đã được đánh giá, phân hạng. Mặc dù chương trình OCOP đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng miền. Thế nhưng việc tiêu thụ lại không dễ dàng, nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết với doanh nghiệp phân phối để tiêu thụ sản phẩm.

Là người tiêu dùng, chị Hoàng Minh An (Hà Nội) cho biết rất khó tìm mua một số sản phẩn OCOP, đặc biệt là sản phẩm của các tỉnh xa. Chị An đã đến rất nhiều siêu thị nhưng đều không có bán sản phẩm cần tìm. Vì vậy, mỗi khi cần dùng đều phải nhờ người nhà mua giúp rồi chuyển ship rất phiền phức.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Trong khi đó, sản phẩm nước mắm lâu năm của Công ty TNHH hải sản Phan Thiết đạt công nhận OCOP 4 sao nhưng để đưa sản phẩm giới thiệu tới người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị hiện đại lại không dễ dàng. Giám đốc công ty TNHH Hải sản Phan Thiết Nguyễn Quang Chiến cho biết, để đưa sản phẩm vào siêu thị, công ty phải chấp nhận yêu cầu công nợ dài ngày, chiết khấu cao. Các siêu thị đều yêu cầu các chương trình như sinh nhật, ngày lễ… nhà sản xuất đều có chương trình khuyến mãi, giảm giá khiến chi phí chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm. 

Trong khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa gặp được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ. Theo Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, siêu thị có bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên kiểm tra bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... được đưa vào bày bán tại siêu thị. Thế nhưng một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP chưa nắm được quy định nên chưa đáp ứng yêu cầu cung ứng hàng cho doanh nghiệp bán lẻ. Ví dụ, quy định trên nhãn mác sản phẩm ghi hạn sử dụng 12 tháng thì phải có hồ sơ chứng nhận cụ thể chứ không thể ghi ước lượng tùy tiện... Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.

Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến sản phẩm OCOP của các địa phương bị bí đầu ra là do các hộ nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ trong giao dịch, mua bán. Ngoài ra, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị có yêu cầu cung ứng hàng số lượng lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác… Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại..

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, hiện nay vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị khiến việc đưa hàng Việt, hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao; đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy muốn tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhà sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định đó.