Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Kết nối thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp

Phát triển thông tin thị trường lao động đang là hướng đi được trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên đẩy mạnh, đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác giải quyết việc làm, kết nối cung cầu lao động tại địa phương.

Với đặc thù là tỉnh trung du, miền núi có vị trí địa lý quan trọng với mạng lưới giao thông thuận tiện, Thái Nguyên được xem là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của các tỉnh vùng Đông Bắc với đồng bằng Bắc Bộ. Thái Nguyên có mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực lớn với 9 trường đại học, 13 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp; mỗi năm bình quân gần 100.000 học sinh, sinh viên cung cấp cho thị trường lao động. Tổng số cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 56 cơ sở, trong đó có 12 trường cao đẳng (11 trường công lập); 11 trường trường trung cấp (4 trường công lập); 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập (trong đó 9 trung tâm công lập cấp huyện); 7 cơ sở doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Kết nối thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp - Ảnh 1.

Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên

Xác đinh giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm qua Thái Nguyên đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án giải quyết việc làm được thực hiện có hiệu quả như: Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020, các dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, dự án xuất khẩu lao động được triển khai đồng bộ…

 Bà Phạm Như Thùy – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, hàng năm Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tiến hành thu thập, tổng hợp thông tin thị trường lao động trung bình đạt 3 – 4 ngàn doanh nghiệp/năm, với nhu cầu tuyển dụng từ 60 – 80 ngàn lao động/năm; tiến hành ký hợp đồng tuyển và cung ứng lao động với từ 50 – 100 doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh".

Đồng thời, hàng năm Trung tâm tổ chức từ 20 - 30 hội nghị tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được tổ chức tại Trung tâm và các địa phương, doanh nghiệp. Qua đó cung cấp thông tin thị trường lao động tới từ 25 – 35 ngàn lượt người/năm;

Kiểm tra, giám sát công tác điều tra, cập nhật, lưu trữ và quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu thị trường lao động bằng hình thức điều tra: Phỏng vấn tại gia đình và các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo việc rà soát, cập nhật theo hệ thống thông tin về cung lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Chất lượng điều tra là tương đối đầy đủ, chính xác các biến động về tình trạng việc làm, học nghề, lao động chuyển đến chuyển đi. Tổ chức các hoạt động cung cấp, khai thác thông tin thị trường lao động thông qua các hội nghị, phiên giao dịch việc làm... cung cấp thông tin về các xã, phường, thị trấn, bà Thùy nhấn mạnh.

Kết nối thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp - Ảnh 3.

Theo ông Kiều Như Khanh, chuyên viên nhân sự công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim cho biết: "Qua quá trình nghiên cứu và nắm bắt tình hình thị trường, công ty đánh giá Thái Nguyên là thị trường tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất tốt, có nguồn nhân lực dồi dào. Là một trong những nhân tố chính khiến công ty quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Và trong chiến lược phát triển kinh doanh,công ty coi trung tâm dịch vụ việc làm là địa chỉ kết nối hiệu quả nhất giúp công ty tuyển dụng được nhân sự để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh mới thành lập".

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách việc làm, kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn như: Hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động, nguồn nhân lực của địa phương và các tỉnh lân cận còn chưa được cập nhật đầy đủ. Việc đánh giá, phân tích, dự báo còn hạn chế; lao động trong các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, lực lượng lao động yếu thế trong xã hội còn thiếu thông tin về chính sách việc làm và thông tin về thị trường lao động. Công tác đào tạo và trình độ nghề của người lao động chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ còn diễn ra...

Để khắc phục tình trạng trên theo bà Phạm Như Thùy, trong thời gian tới Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, số lượng các hoạt động giao dịch việc làm, để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động. Đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm cung cấp thông tin cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống và các khóa đào tạo nghề ngày một đầy đủ và chính xác, hỗ trợ thiết thực cho người lao động.

Hoàn thiện Bản tin thị trường lao động tỉnh Thái Nguyên hàng quý. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin thị trường lao động.

Tạo điều kiện tối đa cho lực lượng lao động yếu thế trong xã hội có cơ hội được tiếp xúc với những việc làm phù hợp với khả năng của bản thân. Đặc biệt thông qua Sàn giao dịch việc làm tại địa phương thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho đối tượng như: hộ nghèo, cận nghèo, gia đình bị mất đất, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…