Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khách du lịch đến Hà Nội tăng 5 lần so với năm 2021

(Dân sinh) - Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tháng 11/2022 và 11 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội dự kiến tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Du khách đến Hà Nội tăng mạnh trong năm 2021.

Du khách đến Hà Nội tăng mạnh trong năm 2021.

Cụ thể, tháng 11/2022, khách du lịch quốc tế và nội địa được dự báo tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,61 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, khách du lịch nội địa ước đón 1,35 triệu lượt khách; Khách du lịch quốc tế ước đón khoảng 255,32 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4,39 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Dự kiến, 11 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 17,02 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón 1,27 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đón 15,75 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 48,35 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, kế hoạch trọng tâm trong tháng 12 và cuối năm của ngành Du lịch Thủ đô là triển khai các nội dung tổ chức chương trình Festival Áo dài Hà Nội năm 2022; triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; tổ chức tọa đàm "Kết nối các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2022.

"Ngoài ra, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện), du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng/bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo... Đây sẽ là những điểm nhấn của du lịch Thủ đô trong thời gian tới", bà Đặng Hương Giang chia sẻ.

Thời gian qua, Hà Nội luôn đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa công nghệ vào hoạt động du lịch. Tại các điểm đến, việc chuyển đổi số cũng cho kết quả rõ rệt. Nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Chẳng hạn, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng,... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin về di tích. Còn ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng cũng được xây dựng. Một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide… cũng đã được đưa vào sử dụng. 100% khách du lịch quốc tế, 68,6% khách du lịch nội địa biết đến điểm đến du lịch Hà Nội qua thông tin từ internet.

Hà Nội đã đưa vào hoạt động hệ thống các tài khoản trên mạng xã hội, tổng đài thông tin, tư vấn, giải đáp du lịch 1800556896 để giúp du khách thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin, hình ảnh các sản phẩm du lịch. Đây là bước đột phá trong công tác bảo đảm môi trường du lịch, định hướng phát triển thị trường cũng như tiếp nhận thông tin trực tiếp của du khách. Trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội hoạt động với hai ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, cùng với các tài khoản mạng xã hội facebook, youtube, twitter để tăng tính tương tác, là kênh thông tin quan trọng, hiệu quả để truyền thông, quảng bá du lịch điểm đến Hà Nội.