Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khai giảng năm học mới tại Đắk Lắk

Sáng ngày 5/9, cùng chung với học sinh cả nước, tại tỉnh Đắk Lắk có hơn 478.000 học sinh theo học tại 1.017 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã về các trường học trên địa bàn dự lễ, đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục và Đào tạo, động viên giáo viên, học sinh bước vào năm học mới đạt được nhiều thành tích mới.

Tại Trường THPT N’Trang Lơng là một trong những trường chuyên biệt của tỉnh với 95% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm học 2021 - 2022, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra: 100% học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT; bình quân điểm thi tốt nghiệp đứng thứ 5/61 trường THPT trên toàn tỉnh. Học sinh của trường cũng đạt nhiều thành tích nổi bật tại các kỳ thi: Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT Quốc gia; Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh; KHKT Thanh thiếu niên và nhi đồng; “Môi trường xanh” các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Với những thành đạt được, tập thể nhà trường đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021 – 2022

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT N’Trang Lơng có 18 lớp với hơn 500 học sinh. Đây là năm đầu tiên nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều khác biệt trong tổ chức giảng dạy và môn học. Phát huy những kết quả đạt được, năm học mới Trường THPT N’Trang Lơng tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học đề ra, xây dựng tập thể nhà trường ngày càng vững mạnh.

Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung về dự lễ khai giảng năm học mới tại đây: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trong năm học mới, nhà trường cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, quản lý chuyên môn; đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân (bìa phải) trao bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia cho Trường THPT Buôn Ma Thuột (Ảnh Báo Đắk Lắk)

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân (bìa phải) trao bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia cho Trường THPT Buôn Ma Thuột (Ảnh Báo Đắk Lắk)

Nhân dịp này Trường THPT Buôn Ma Thuột đón nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 2 trong ngày khai giảng, Trường vinh dự được Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đến dự.

Trao Bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 2 của UBND tỉnh cho Trường THPT Buôn Ma Thuột trong ngày khai giảng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân mong muốn các thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa, tâm huyết trách nhiệm với nghề, hết mực yêu thương, dạy dỗ học trò, không chỉ dạy kiến thức mà truyền cảm hứng để học sinh say mê học tập, khám phá, chinh phục chân trời tri thức mới. Bên cạnh đó, để củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ cán bộ, giáo viên phải thấm nhuần tinh thần đổi mới về phương pháp dạy học, kỹ năng sư phạm và hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh.

Năm học 2022 – 2023, Trường THPT Buôn Ma Thuột có 42 lớp với tổng số học sinh 1.799, trong đó, 13 lớp 10, với 575 em. Trường có 109 cán bộ, giáo viên. Trước thềm năm học mới, nhà trường đã sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm sách giáo khoa… với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng.

Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột Thầy Lê Văn Thái cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhà trường xác định tinh thần xuyên suốt, năng động hơn nữa, chủ động tự chịu trách nhiệm với công việc, lấy hiệu quả là thước đo về ý thức trách nhiệm, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân.

Nhiệm vụ trọng tâm của trường trong năm học này là tiếp tục đổi mới về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý để đáp ứng nhiệm vụ dạy học và giáo dục theo định hướng đổi mới; đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, thư viện nhà trường.

Học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 (Ảnh C-L)

Học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 (Ảnh C-L)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các trường học trên địa bàn phải triển khai học trực tuyến hơn 8 tháng. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vẫn hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm học.

Hệ thống trường, lớp học và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục. Đến cuối năm học, toàn tỉnh có 1.016 trường, 15.881 lớp, nhóm lớp từ mầm non đến Trung học phổ thông với 477.179 học sinh.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học được chuẩn hóa, đáp ứng các điều kiện đổi mới giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có 36.154 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, có 95,02% cán bộ quản lý đạt trên chuẩn và 82,74% giáo viên đạt trên chuẩn.