Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khai mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 tại Đắk Lắk

Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), sáng 19/5, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột, diễn ra từ ngày 18 đến 20/5 với sự tham gia của 20 tỉnh, thành phố.

Liên hoan âm nhạc là ngày hội của các nhạc sĩ, nghệ sĩ và những người yêu nhạc nhằm biểu dương những tài năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, khuyến khích sự sáng tạo, vươn lên trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo âm nhạc; đồng thời là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong khu vực và cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, giao lưu tác phẩm âm nhạc mới sáng tác, giới thiệu bản sắc văn hóa vùng miền, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Liên hoan góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng trong thời kỳ mới.

Văn nghệ chào mừng Khai mạc Liên hoan âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 tại Đắk Lắk

Văn nghệ chào mừng Khai mạc Liên hoan âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 tại Đắk Lắk

Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Ban Chỉ đạo Liên hoan phát biểu: Liên hoan là cuộc gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, giao lưu âm nhạc giữa các nhạc sĩ trong khu vực, nhằm giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới của các nhạc sĩ trong thời gian vừa qua, giới thiệu các gương mặt trẻ, các giọng hát hay, là nhân tố quyết định cho hoạt động nghề nghiệp hôm nay và trong tương lai.

Đồng thời, đây còn là dịp để các nhạc sĩ cả nước được đến với Đắk Lắk, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, thể hiện giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng đất của thi ca và âm nhạc sẽ gợi lên nhiều cảm xúc trong giới nhạc sĩ trong những tác phẩm của mình; là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ một lần nữa chiêm nghiệm những giá trị âm nhạc truyền thống của khu vực Tây Nguyên… tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và hướng tới sự phát triển âm nhạc mới theo hướng từ dân tộc truyền thống đi lên hiện đại.

Phát biểu chào mừng khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, đồng trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan: Các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc của Đắk Lắk đã trở thành sức mạnh tinh thần, là biểu tượng để ứng xử với thiên nhiên, xã hội, đồng thời khơi dậy tình cảm quê hương và tinh thần đoàn kết cộng đồng. Với những thế mạnh, đặc trưng riêng có của mình, Đắk Lắk rất tự hào, vinh dự và trân trọng cảm ơn các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, và đặc biệt là các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật về Đắk Lắk.

Các tác phẩm quý này đã góp phần lớn trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa và con người nơi đây. Hy vọng Liên hoan Âm nhạc Việt Nam lần này sẽ thổi một luồng gió mới, đưa âm nhạc Tây Nguyên kết nối với âm nhạc cả nước, góp phần tạo nên một bức tranh âm nhạc Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, để lại trong lòng công chúng nhiều tác phẩm ấn tượng, khó quên. 

Đến với liên hoan âm nhạc lần này có sự tham gia của các ngành chức năng, Hội Văn học nghệ thuật, chi hội âm nhạc và các đoàn nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 20 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm: Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế và Đắk Lắk.

Các đoàn nhạc sĩ, nghệ sĩ mang đến liên hoan 52 tác phẩm gồm các thể loại ca khúc, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc và nước ngoài… tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc và biển đảo Việt Nam; những thành tựu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay… Trong đó, nhiều tác phẩm mang âm hưởng âm nhạc dân gian các vùng miền, đặc biệt là âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên.

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự

Cùng với việc biểu diễn các tác phẩm mới, liên hoan còn tổ chức tọa đàm “Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay” nhằm tìm ra các phương thức sáng tạo tác phẩm âm nhạc sao cho đồng điệu với hơi thở đời sống hiện đại và tôn vinh được bản sắc độc đáo của âm nhạc dân gian, cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên. 

Tọa đàm còn là dịp để các nhạc sĩ bàn luận về những gì được và chưa được liên quan đến sự nghiệp phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc tại khu vực Tây Nguyên để ngày càng sáng tác nhiều hơn những tác phẩm có sức lan tỏa không chỉ trong nước mà góp được tiếng nói dân tộc trên nhạc trường quốc tế.