Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khẩn cấp cuộc đua bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học (22/5) năm nay đánh dấu 30 năm các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) ký Công ước đa dạng sinh học (CBD).

Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng nghiêm trọng. Ảnh: AFP/TTXVN
.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng nghiêm trọng. Ảnh: AFP/TTXVN .

Theo baotintuc.vn, tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học (COP15) tổ chức tại TP Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tháng 10/2021, Thư ký điều hành của Công ước LHQ về đa dạng sinh học Elizabeth Maruma nhận định, thế giới đã không đạt được những đột phá cần thiết trong giai đoạn 2011 - 2020 và đã không bảo vệ được hệ sinh thái vốn đóng vai trò sống còn đối với con người.

LHQ cũng chỉ rõ chính con người đã làm suy giảm đa dạng sinh học và cạn kiệt các nguồn tài nguyên nhanh hơn mức thiên nhiên có thể tái tạo và có thể nói, chính con người đã gây ra thảm họa sinh thái trên trái đất. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định: "Đa dạng sinh học đang sụp đổ và chúng ta là những người thua cuộc”. Giờ đây, con người phải chạy đua để chấm dứt tình trạng khủng hoảng sinh học bằng những hành động mạnh mẽ, quyết liệt và khẩn cấp.

Thực tế này đã thúc đẩy các nước, tại vòng đầu tiên của hội nghị COP15 với chủ đề “Nền văn minh sinh thái: Xây dựng tương lai chung cho tất cả sự sống trên trái đất” được tổ chức tại Côn Minh tháng 10/2021 thông qua Tuyên bố Côn Minh, tạo động lực cho một hiệp ước đa dạng sinh học mới toàn cầu, tức một kế hoạch chi tiết về bảo tồn đa dạng sinh học cho thập niên tới, mang tên “Khung chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau năm 2020”. Các bên cũng nhất trí soạn thảo và đưa ra xem xét văn kiện này tại vòng thứ hai của hội nghị COP15, dự kiến được tổ chức tại Côn Minh cuối năm nay.

Trong bối cảnh đó, LHQ đã chọn thông điệp “Xây dựng tương lai chung cho mọi sự sống” của vòng 1 COP15 tại Côn Minh tháng 10/2021 làm chủ đề cho  Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học năm nay, nhằm tạo động lực và hỗ trợ thúc đẩy các bên đạt được đồng thuận về “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020” nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người. Như tuyên bố của Tổng Thư ký LHQ: "Chúng ta cùng nỗ lực với nhau duy trì mọi sự sống trên trái đất để con người và thiên nhiên đều được hưởng lợi”, chủ đề của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2022 cũng nhằm thúc đẩy hành động toàn cầu xây dựng một tương lai chung, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

Với giá trị đa dạng sinh học cao, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) đang là điểm thu hút khách du lịch, các nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN.

Với giá trị đa dạng sinh học cao, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) đang là điểm thu hút khách du lịch, các nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN.

Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới và cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, với vai trò là nước thành viên Công ước đa dạng sinh học từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp tác nhằm đẩy lùi tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững. Tháng 1/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều hoạt động bảo tồn loài tại chỗ được Chính phủ phê duyệt như Đề án tổng thể bảo tồn voi ở Việt Nam (2013 - 2020); Chương trình quốc gia bảo vệ hổ (2014 - 2022); Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đến  2025, tầm nhìn đến 2030; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030...

Liên quan thông tin trên, báo hanoimoi.vn cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Công văn số 2442/BTNMT-TTTT gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Bộ cũng kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tổ chức, cá nhân tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ...