Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khẩn trương triển khai thực hiện thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ

Nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho các cơ sở KCB thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo Luật định, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT (Nghị quyết số 144).

Theo nội dung công văn, ngày 5/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Tại Khoản 3 của Nghị quyết này đã quy định “cho phép quyết toán, thanh toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2021 bằng chi phí khám chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám chữa bệnh sau khi đã được cơ quan BHXH giám định theo quy định tại Khoản 2, Điều 32 Luật BHYT năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 46/2014/QH13...”. Ngay sau đó, Bộ Y tế cũng có Công văn số 6979/BYT-BH (ngày 1/12/2022) hướng dẫn triển khai thực hiện Khoản 3 Nghị quyết số 144/NQ-CP.

Khẩn trương triển khai thực hiện thanh quyết toán  chi phí khám chữa bệnh BHYT theo Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ (Ảnh minh họa)

Khẩn trương triển khai thực hiện thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở đó, công văn của BHXH Việt Nam nhằm hướng dẫn nghiệp vụ cho BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHXH Bộ Quốc phòng (gọi chung là BHXH các tỉnh) triển khai kịp thời yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ, hướng dẫn thực hiện của Bộ Y tế và trên cơ sở Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán chi KCB BHYT năm 2021.

Với tinh thần sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở KCB theo quy định, BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3986/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng (BHXH các tỉnh) về việc khẩn trương triển khai thực hiện thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo Nghị quyết số 144.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 144, trong đó tại Khoản 3 của Nghị quyết này quy định: “Cho phép quyết toán, thanh toán chi KCB năm 2021 bằng chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB sau khi đã được cơ quan BHXH giám định theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật BHYT năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 46/2014/QH13…”; trên cơ sở báo cáo thẩm định chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2021 và đề xuất thanh toán của BHXH các tỉnh theo Công văn số 3417/BHXH-CSYT ngày 10/11/2022 của BHXH Việt Nam, tại Công văn này, BHXH Việt Nam thông báo chí phí KCB BHYT được quyết toán bổ sung theo Nghị quyết số 144 cho các tỉnh, thành phố.

Đối với chi phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán trong dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh thực hiện thanh quyết toán chi phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán trong phạm vi dự toán năm 2021 cho các cơ sở KCB ngay sau khi nhận được nguồn kinh phí KCB BHYT do BHXH Việt Nam cấp và thực hiện quyết toán vào quý 4 năm 2022 theo đúng quy định.

Đối với các chi phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán, vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021, BHXH Việt Nam sẽ tạm cấp cho BHXH các tỉnh sau khi được Hội đồng quản lý BHXH phê duyệt. Về nội dung này, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở KCB BHYT báo cáo cụ thể nguyên nhân vượt dự toán được giao trước ngày 10/01/2023.

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định. BHXH các tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đưa vào thanh quyết toán. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, cần kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam (Ban Thực hiện chính sách BHYT) để được hướng dẫn giải quyết.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, Chính phủ quyết nghị các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu, sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế thuộc phạm vi quản lý nhằm xử lý nhanh nhất các vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trường hợp xét thấy cần áp dụng thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chuẩn bị việc đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nội dung về đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành thuốc theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu văn bản, báo cáo thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập và Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về mua sắm, đấu thầu, đặc biệt là các vấn đề về thuê tài sản, cung cấp thiết bị sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm; về quản lý, sử dụng phí cấp phép lưu hành đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó khuyến khích việc mua sắm, đấu thầu các trang thiết bị y tế khi vận hành sử dụng có thể dùng nhiều loại sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế.

Nghiên cứu, hướng dẫn kịp thời, kỹ lưỡng các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Bộ Y tế trong việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng vốn nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế (đặc biệt là các vấn đề về: xây dựng dự toán mua sắm; thuê tài sản, cung cấp thiết bị sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm); các văn bản quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế khi nhận được đề nghị của Bộ Y tế bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, giá, phí và lệ phí. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.