Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khánh Hòa triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện còn 10.826 hộ nghèo, chiếm 3,2% dân số và 16.478 hộ cận nghèo, chiếm 4,86%. Riêng huyện Khánh Sơn còn 3.062 hộ nghèo, huyện Khánh Vĩnh còn 4.211 hộ nghèo.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh không còn hộ nghèo, 2 huyện này thoát khỏi huyện nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong năm 2023, toàn tỉnh quyết tâm triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các chính sách giảm nghèo đa chiều với mục tiêu đạt mức giảm từ 1 đến 1,5%, riêng 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt từ 7% trở lên.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, sở và các địa phương đã tập trung nghiên cứu, đề ra nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo nhằm đạt hiệu quả thực chất. Trong đó, tỉnh dành sự quan tâm lớn đối với 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Năm nay, tỉnh sẽ dành hơn 194,9 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu cho 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh).

Khánh Hòa sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế giúp giảm nghèo bền vững

Khánh Hòa sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế giúp giảm nghèo bền vững

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết việc làm bền vững cho người nghèo. Trong đó, tập trung tuyên truyền, tuyển sinh và đào tạo nghề ở các cấp trình độ theo nguyện vọng của người dân, gắn với giải quyết việc làm. Riêng trong năm 2023, sẽ thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 1.000 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Đồng thời, tăng cường và mở rộng hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho người lao động, nhất là công tác hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thành lập các tổ, đội việc làm trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tại huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn để tuyển chọn đào tạo, cung ứng lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, nhất là ưu tiên cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

UBND tỉnh cũng dành hơn 4 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo nhằm tạo việc làm, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo. Trong đó, tỉnh dành nguồn lực hỗ trợ các mô hình, như: Nuôi dê, bò, heo, gà thả vườn; trồng cây ăn quả… cho hộ nghèo. Cùng với đó, chuyển giao ứng dụng quy trình kỹ thuật mới theo hướng cầm tay chỉ việc cho hộ nghèo; hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, công cụ, thiết bị, giống ban đầu cho hộ nghèo…

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành khảo sát nhà ở của hộ nghèo và cận nghèo. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh triển khai việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; tích cực vận động thêm nguồn vốn đối ứng của các gia đình, sự hỗ trợ của dòng họ, địa phương. Qua đó, giúp hộ nghèo, cận nghèo an cư lạc nghiệp.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, việc sản xuất nông nghiệp sẽ được thực hiện theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực; tăng cường kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, vấn đề cải thiện dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể trạng, tầm vóc cho trẻ dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng được quan tâm. Công tác truyền thông về giảm nghèo được đẩy mạnh, sâu rộng đến từng hộ dân.