Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khi danh hiệu có thể mua bằng... rất nhiều tiền

(Dân sinh) - Bà Q.H.L - người sở hữu Công ty Phong thủy quốc tế T.L vừa đoạt vương miện tại cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020, đã có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng về việc bà bị "lừa đảo" khi phải nộp tới 800 triệu đồng để có được "danh hiệu" Hoa hậu.

Cụ thể, "Hoa hậu" Q.H.L cho biết để tham gia cuộc thi, mỗi thí sinh đều phải đóng 18 triệu đồng chi phí đăng ký. Ngoài ra, thí sinh còn phải nộp thêm tiền để có danh hiệu - mức tiền tăng dần theo "giá trị danh hiệu". Cụ thể, giải hoa hậu là 800 triệu đồng, á hậu 1 là 400 - 500 triệu đồng (có 3 thí sinh đăng ký), á hậu 2 là 300 triệu đồng. Mức giá các giải phụ như: Miss dạ hội, Miss cộng đồng, Miss du lịch, Miss thời trang, Miss body đẹp, Miss thân thiện, Miss làn da đẹp, Miss nụ cười đẹp... mỗi giải có giá 50 triệu đồng. Ai muốn lấy giải nào cũng được nhưng mức giá có thể dao động bởi ban tổ chức sẵn sàng thỏa thuận giá cho thí sinh muốn "đầu tư".

Khi danh hiệu có thể mua bằng... rất nhiều tiền - Ảnh 1.

Khi danh hiệu có thể mua bằng... rất nhiều tiền

Được biết, trên các poster và thông tin quảng bá trên báo chí, mạng xã hội, cuộc thi này do Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước tổ chức, Trưởng ban tổ chức là nhà thiết kế Mai Phương Trang. Thế nhưng, bà Q.H.L lại nộp tiền cho ông N.V.H - nghệ danh là Nguyễn Tri Hưng, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam (hiện đã đổi tên thành Công ty Vua Sư tử) cùng một hợp đồng "đầu tư" để biến bà trở thành "Hoa hậu".

Đây là cuộc thi chui nên ban đầu dự định tổ chức tại TP. Vũng Tàu. Nhưng do địa phương không cho phép nên sau đó chuyển đến "thi kín" tại một phim trường ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Vì nghi ngờ sự không chính danh của cuộc thi lẫn danh hiệu nên "hoa hậu" mới đâm đơn tố giác tội phạm.

Đây chỉ là một trong rất nhiều lùm xùm liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp thời gian qua. Chuyện bỏ tiền mua danh hiệu đã nhiều lần được dư luận đề cập, giờ trở thành chuyện không lạ và có vẻ được thừa nhận như một sự thật hiển nhiên. Bởi rất nhiều người có chút sắc vóc, nuôi "giấc mơ hoa hậu" hiểu rằng chỉ cần một danh hiệu thì cuộc đời sẽ "lên mây" chỉ trong chốc lát, theo một cách nào đó. Như lời của một "ông trùm hoa hậu" từng bày tỏ: "Danh hiệu hoa hậu và các danh hiệu khác trong cuộc thi hoa hậu tạo ra cho người đoạt giải rất nhiều cơ hội, nhiều hơn hẳn so với nhiều nước trên thế giới".

Danh hiệu hoa hậu mang lại nhiều lợi ích bao gồm lợi ích kinh tế không nhỏ nên chuyện có những người đầu tư vào danh hiệu cũng như những cá nhân, tổ chức đứng ra "bán" danh hiệu là điều khó tránh khỏi.

Không riêng gì các cuộc thi sắc đẹp mà trong lĩnh vực kinh doanh cũng vậy, dư luận từng không ít lần lên tiếng về tình trạng mua bán "danh hiệu" đối với sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Vì vậy, không ít thương hiệu hay sản phẩm dởm đã được "tôn vinh" và lừa được nhiều người tiêu dùng. Cơ quan chức năng đã từng vào cuộc và xử lý theo quy định pháp luật những vụ việc như vậy.

Còn đối với các cuộc thi sắc đẹp thuộc lĩnh vực văn hóa, việc mua bán danh hiệu để "tôn vinh" những "nhan sắc... dỏm" cần được cơ quan quản lý văn hóa và cơ quan pháp luật xem xét với thái độ nghiêm khắc. Vì hệ lụy của nó đối với xã hội không hề nhỏ.