Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khi giáo dục đạo đức bị xem nhẹ

(Dân sinh) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều trường học trên cả nước đã cho học sinh nghỉ học. Để bổ sung kiến thức cho các em học sinh, từ ngày 9/3/2020, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình học trên truyền hình các môn dành cho học sinh lớp 9, lớp 12. Tuy nhiên, thay vì đưa ra ý kiến tiếp thu bài giảng, nhiều em đã có những bình luận thiếu ý thức, không tôn trọng thầy cô giáo.

Giáo viên giảng bài qua truyền hình.

Học sinh đùa cợt, khiếm nhã với thầy, cô giáo

Nếu theo đúng kế hoạch, học kỳ 2 năm học 2019-2020 đã đi được nửa chặng đường và nhiều học sinh cuối cấp đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên học sinh các cấp đã phải lùi lại thời gian học. Để bổ sung kiến thức cho các em học sinh, từ ngày 9/3/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình học trên truyền hình các môn dành cho học sinh lớp 9, lớp 12. 

Theo đó, các bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019-2020 do các giáo viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao giảng dạy, góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT quốc gia.

Theo ghi nhận, ngay sau khi được phát sóng trên Đài, các bài giảng của các thầy cô giáo ngay lập tức nhận được sự đón nhận của rất nhiều học sinh và đông đảo phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều học sinh thiếu ý thức, thay vì đưa ra ý kiến tiếp thu bài giảng, đã đưa ra những lời bình luận đùa cợt, khiếm nhã với đội ngũ thầy cô giáo.
Mới đây nhất, trong bài giảng "Mùa xuân nho nhỏ" được phát sóng trên truyền hình và livestream qua mạng Internet, có rất nhiều bình luận tục tĩu, khiếm nhã với thầy giáo. Hay như ở một số buổi phát trực tiếp bài giảng của thầy, cô giáo trên trang facebook HANOITV.vn, nhiều học sinh đã có những bình luận không nghiêm túc, không tôn trọng người đứng trên bục giảng. Thậm chí có những tài khoản facebook còn bình luận rủ chơi game Liên quân trong bài giảng của thầy cô giáo.

Khi giáo dục đạo đức bị xem nhẹ - Ảnh 2.

Dư luận bất bình trước những bình luận khiếm nhã của học sinh.

Trước hành động thiếu chuẩn mực của các em học sinh, nhiều người tỏ ra bức xúc, thậm chí phẫn nộ. Một thành viên mạng đã đưa ra ý kiến: "Thực sự không hiểu các em học sinh nghĩ gì mà xem đây là một trò đùa. Các thầy cô giáo dành tâm huyết, để dạy trực tuyến cho các em. Các thầy cô đều mong rằng những bài học đã chuẩn bị rất kỹ để cho các em có được tinh thần chuẩn bị thi cấp 3 một cách chín chắn, vững vàng nhất có thể, vì mong muốn các em đỗ đạt... Vậy mà các em nói những câu thiếu văn hóa, những vấn đề và chủ đề không liên quan đến bài học thực sự rất ảnh hưởng đến tâm lý của các thầy cô. Thật buồn…".

Phụ huynh Trần Thị Thanh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hai con học lớp 9 và lớp 12 bày tỏ: "Tôi khá bất ngờ và thực sự sốc khi các em học sinh có thể bình luận phản cảm như vậy trong video thầy cô giảng bài. Là mẹ của hai con học cuối cấp, tôi luôn lo lắng cho kỳ thi sắp tới của các con và cũng đã ghi lịch phát sóng trên truyền hình để cho con học. Tôi thực sự cảm thông và biết ơn các thầy cô vì đứng trước máy quay không phải như đứng trên bục giảng. Họ đã dành nhiều công sức để truyền đạt kiến thức làm sao cho học sinh tiếp thu một cách dễ hiểu nhất khi mà dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp và học sinh không thể đến trường. Vậy nhưng, tiếc thay một số học sinh lại cư xử một cách khiếm nhã với những người mang tri thức đến cho mình".

Học online: Cần sự giám sát của phụ huynh

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, nguyên nhân là do giáo dục đạo đức đang bị buông ngỏ từ lâu. Từ nhà trường đến gia đình chỉ coi trọng thành tích mà "quên" đi giáo dục đạo đức cho học sinh. Ngay trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, từ lãnh đạo ngành giáo dục đến giáo viên, phụ huynh cũng chỉ loay hoay việc làm thế nào để dạy kiến thức cho học sinh. Chính vì giáo dục đạo đức không được coi trọng nên đạo đức xã hội xuống dốc không phanh.

"Từ trong nhà, ngoài ngõ đến trên mạng, mọi người sử dụng ngôn từ khiếm nhã với nhau rất thoải mái. Bọn trẻ chứng kiến thường xuyên việc bắt nạt nhau, dìm hàng, lừa đảo… nhan nhản trên mạng. Chúng học rất nhanh những điều đó. Ngoài ra, việc các trang youtube thiếu lành mạnh được phổ biến quá thoải mái, thu hút bọn trẻ. Trong khi đó, các cha mẹ và thầy cô không dạy trẻ cách sử dụng mạng trước khi cho trẻ tham gia mạng xã hội", TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Khi giáo dục đạo đức bị xem nhẹ - Ảnh 3.

Thay bằng tiếp thu bài học thì học sinh lại có những bình luận khiếm nhã về thầy, cô.

Cũng theo TS Vũ Thu Hương, việc một số học sinh bình luận thô thiển, khiếm nhã, thì người lớn cần dạy dỗ chứ không nên đe dọa. Bộ phận kỹ thuật của nhà đài, của chương trình cần có biện pháp công nghệ để ngăn lộ diện những comment thiếu văn hóa đó.

Thiết nghĩ, với môi trường học đường, văn hóa trong sử dụng Internet và ngôn từ cần được nhiều học sinh cũng như các bậc phụ huynh chú ý nhằm mang đến một môi trường giáo dục chuẩn mực, hoàn thiện.

Ngoài Thủ đô Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã bắt đầu triển khai mô hình học qua truyền hình cho học sinh cuối cấp. Hoạt động này dự kiến sẽ duy trì đến khi học sinh được trở lại trường sau đợt nghỉ kéo dài vì dịch Covid-19. Do vậy, để học sinh có những giờ học bổ ích, hiệu quả qua truyền hình, qua bài học online, rất cần sự giáo dục, kèm cặp, nhắc nhở của phụ huynh để các em nhận thức rõ vấn đề dịch bệnh cũng như có trách nhiệm với sự học của mình; đồng thời hiểu và chia sẻ với thầy cô đã nỗ lực để có những bài dạy bổ ích trong thời dịch bệnh Covid-19 này.