Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khi giáo viên lo dạy chữ hơn dạy làm người

Thời gian qua, ngành giáo dục gặp rất nhiều những biến động, những tin tức đau lòng người, làm cho cả xã hội hoang mang, mất niềm tin. Từ bậc học mầm non, cho đến tiểu học, trung học, không ngành nào không có.

Rồi, chúng ta cũng tự an ủi, rằng vẫn còn có rất nhiều thầy cô có tâm, hết lòng vì giáo dục. Song, nếu cái tốt mà dần ít đi, giảm xuống theo thời gian, thì cái xấu, cái tiêu cực sẽ nhân lên. Lúc đó, chúng ta muốn cải thiện sẽ vô cùng khó khăn. Vậy nên, ngay từ những câu chuyện nho nhỏ manh nha ban đầu, chúng ta cần phải đồng lòng, cùng nhau đóng góp ý kiến, trên tinh thần xây dựng ngay, để làm nên một môi trường giáo dục văn.

Khi giáo viên lo dạy chữ hơn dạy làm người - Ảnh 1.

Những hình ảnh giáo viên quăng tập vở học trò, rồi chiếc camera phụ huynh lắp đặt khi nghi ngờ con bị bạo hành, các học sinh cấp hai đánh nhau, bạn bè hưởng ứng, bạo lực học đường thường xuyên như cơm bữa. Thật sự đau lòng.

Chúng ta thường hỏi: vì sao nên nỗi? Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là người giáo viên hiện nay, hình như lơ là, quên đi việc xây dựng hình ảnh, cũng như ý thức tầm quan trọng của nghề nghiệp, mà giá trị sư phạm là điều tiên quyết. Có một câu nói rất hay, mà khi học sư phạm, tất cả giáo viên đều nghe qua: "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Cho nên, dù còn hạn chế về khả năng truyền tải kiến thức đến các em 100%, thì ít nhất cũng phải gieo vào lòng các em tình yêu thương của người thầy, người cô dành cho học trò. Tình yêu nghề nghiệp, hết lòng vì sự tiến bộ, vì tương lai của học sinh là có thật. Là sự quan tâm rèn luyện, uốn nắn các em thành người tốt. Tuy nhiên, những điều đó, một bộ phận giáo viên hiện nay xa rời giá trị của nghề giáo, dẫn đến tiêu cực liên tục xảy ra.

Khi giáo viên lo dạy chữ hơn dạy làm người - Ảnh 2.

Đã làm nghề giáo, chúng ta thôi đừng nghi ngờ đến những giá trị vật chất, lòng tham lam, mà quên đi giá trị của tinh thần, sứ mệnh của nghề nghiệp được cho là cao quý, trân trọng. Vai trò của người thầy trong việc hình thành nhân cách, lối sống đạo đức cho học sinh luôn rất lớn, là tấm gương cho học sinh noi theo. Những món quà, những chiếc phong bì, để tỏ lòng biết ơn, hay những đóng góp trên tinh thần tự nguyện mang theo hàm ý bắt buộc, vấn nạn dạy thêm, học thêm không dừng lại, từ đó mối quan hệ giữa người thầy và trò, là sự trao đổi kiến thức với tiền bạc...

Trẻ em đến trường ngoài việc tiếp thu kiến thức từ giáo viên, còn học được nhân cách, lối sống, tư tưởng đạo đức của thầy cô. Các em sẽ nhìn cách thầy cô ứng xử giao tiếp với nhau, mà ít nhiều ảnh hưởng đến cách sống của mình sau này. Một đứa trẻ nếu được học với một cô giáo luôn tươi cười, luôn dễ chịu, dễ tha thứ, thì đứa trẻ ấy, sẽ lớn lên với tấm lòng nhân ái, sự thân thiện, bao dung với cuộc sống. Ngược lại, nếu một đứa trẻ thường xuyên bị quát tháo, bạo lực, bỏ rơi, phân biệt đối xử, thì lớn lên trẻ sẽ không dễ dàng tha thứ cho ai, hoặc không nhận ra được cuộc sống thật sự rất tươi đẹp nếu con người biết thấu hiểu khó khăn, cảm thông nhau, trên tinh thần tương trợ, tương thân tương ái.

Chính vì vậy, mà những gì thầy cô giáo thể hiện trên lớp, như là thước đo, là giá trị mà trẻ em luôn cho rằng đó là gương mẫu, là quy chuẩn, để góp nhặt vun bồi, trưởng thành theo thời gian. Từ đó, sự ảnh hưởng ấy, tác động rất lớn đến các em về sau, mặc dù, trẻ giao tiếp và chịu sự tác động không chỉ từ nhà trường, mà còn rất nhiều ở gia đình, hàng xóm...

Trẻ cần phải có một không gian thể hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong giao tiếp hàng ngày thuộc về môi trường giáo dục. Đó chính là ngôi trường trẻ theo học, mà nơi đó, cần có một bầu không khí vô cùng thân thiện, lành mạnh, trong sáng, đầy ắp tình yêu thương giữa con người với nhau, nơi thể hiện tình bạn tuổi học trò, tương trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống, nói không với vấn nạn của một bộ phận xã hội. Cho nên ứng xử văn hóa trong nhà trường là vấn đề mấu chốt để làm nên một môi trường giáo dục văn minh, phù hợp với văn hóa xã hội của con người tiến bộ. Góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa tôn sư trọng đạo, và khẳng định nghề giáo là một nghề cao quý.

Khi giáo viên lo dạy chữ hơn dạy làm người - Ảnh 3.

Cách đây chừng hơn mười năm, khi chưa có mạng xã hội, chưa chịu ảnh hưởng quá nhiều từ nền kinh tế thị trường, thì sự tác động của môi trường mạng, và sự chạy theo sự phát triển kinh tế, hành vi ứng xử trong môi trường giáo dục chưa có những báo động đáng lo ngại như bây giờ. Trước tình hình đó, thì việc thực hiện, chấn chỉnh lại những hành động, hành vi ứng xử văn hóa trong xây dựng môi trường giáo dục cần thẳng thắn nhìn lại, tìm ra những nút thắt, vướng mắc cần tháo gỡ ngay và luôn, nhằm giảm tải, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ, truyền thông điệp, giúp giáo viên có được nguồn năng lượng tái tạo, tự tin, trong việc đứng lớp giảng dạy.

Thực hiện ứng xử văn hóa trong nhà trường, trong môi trường giáo dục cần thực hiện đồng bộ từ các vị trí cấp bậc khác nhau, đồng hành cùng sự hợp tác hưởng ứng thực hiện của quý phụ huynh học sinh, nói không với những tình trạng phụ huynh vì bức xúc mà có những lời nói không tôn kính thầy cô.

Để làm được điều này, không gì khác hơn ngoài việc thực hiện quy cách đạo đức nghề nghiệp một cách tâm huyết dành cho học sinh, là người dạy dỗ các em, đồng thời sẵn sàng tiếp thu ý kiến, bằng nghiệp vụ sư phạm truyền đạt những phương pháp giáo dục hiệu quả nhất, nhằm mục đích hỗ trợ, phối hợp cùng phụ huynh học sinh. Khi người giáo viên được lòng tin của cha mẹ các em, thì mọi vấn đề nan giải sẽ được giải quyết một cách hài hòa, thấu hiểu được những khó khăn vất vả của nhau.

Giáo dục chính là kỷ cương - tình thương - trách nhiệm, chúng ta vẫn cần thực hiện những nội quy, kỷ luật dành cho các em học sinh, nhưng trong trường hợp đó, chúng ta nghiêm khắc với tình yêu thương, cảm hóa các em, cho các em nể phục, vui vẻ tự giác học tập.

Những thái độ, hành động, như quát mắng, ném tập, nhéo tai, hay nói lời xúc phạm đến các em đều phản giáo dục. Cho nên, để tạo nền tảng vững chắc cho môi trường giáo dục văn minh văn hóa, các thầy cô giáo phải không ngừng rèn luyện, học tập, đọc sách, tìm kiếm những bài học có ích cho bản thân để luôn tự vấn mình. Sửa đổi, bổ sung cho tính cách, phẩm chất của mình xứng đáng là một người giáo viên nhân dân, một nhà giáo dục, một tập thể sư phạm chất lượng cao về kiến thức, đẹp về tâm hồn, giá trị về đạo đức, một môi trường nhân văn trong từng cách ứng xử có văn hóa và nhân văn với nhau.

Những lời nói cho dù có hay, có bay bổng, cũng không bằng những tấm giương sống, có thật trong cuộc sống. Để làm nên một môi trường giáo dục lành mạnh - trong sáng, tràn ngập tình yêu thương, lòng nhân ái, sáng tạo, năng động, cần lắm những giáo viên có tấm lòng yêu thương con trẻ.