Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khi thơ thể hiện những điều nổi cộm của đời sống

(Dân sinh) - Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng là người bền bỉ, thơ anh đậm chất dân gian. Nhân dịp anh cho ra mắt tập thơ “Mùa biến động” (NXB Hội Nhà văn, 2020), chúng tôi có cuộc trao đổi với anh về tính thời sự và nhiều nỗi trăn trở về nhiều vấn đề nổi cộm của đời sống được thể hiện trong tập thơ mới.

Tập thơ "Mùa biến động" có vẻ được viết trong thời gian khá ngắn và có tính thời sự. Mục tiêu đặt ra của tập sách này là gì?

Có thể nói là gần và mới thôi chứ cũng không ngắn. Ngắn chính là ở thời gian hình thành các bài thơ, chúng được viết nhanh, liên tục, hầu hết từ thời gian sau Tết đến cuối tháng 6 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng với nhiều những diễn biến, sự việc gây nhiều xúc cảm cho xã hội. Cùng trong thời gian đó, có rất nhiều những vấn đề, hiện tượng nổi cộm khác, như tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, cũng như những tình trạng vẫn dai dẳng và đầy áp lực lên đời sống như sự suy thoái của môi trường, những vấn nạn đô thị như ùn tắc, ngột ngạt, suy giảm văn hóa… Và không thể không nhắc đến những nguy cơ xâm phạm chủ quyền biển đảo của nước ta vẫn thường trực. Chính trong không khí đó, tôi thấy có nhiều cảm xúc, nhiều suy ngẫm của mình được đẩy lên, và có nhiều điều muốn nói, về thực trạng đời sống chúng ta đang sống, về những hiểm nguy đã đe dọa và đang chung sống với chúng ta, về sự lựa chọn những thái độ, tư thế, hành động sống để vượt qua những bất trắc, những nguy cơ mà chúng ta đã, đang đối mặt. Đó cũng chính là mục tiêu của tôi, xét cho cùng, mỗi nhà văn, nhà thơ đều muốn đưa ra cái nhìn, tiếng nói của mình với đời sống, với đồng loại, qua tác phẩm.

Như thế có thể thấy, trong thơ anh thấy hằn rõ nỗi trăn trở, lo ngại trước rất nhiều vấn đề. Ít nhất là với tập thơ này, anh không xa lánh thời cuộc như một số tác giả khác, đang "trốn" vào đề tài tình yêu?

Khi thơ thể hiện những điều nổi cộm của đời sống - Ảnh 1.

Bìa tập thơ "Mùa biến động" của Nguyễn Quang Hưng

Về sự xa lánh hay trốn tránh của những tác giả nào đó thì tôi cho rằng, họ cũng phản ánh một khía cạnh đời sống của chúng ta mà thôi. Có không ít những vấn đề trong đời sống giới trẻ, trong tâm lý, tinh thần con người cần được khai thác và "trưng bày". Điều đó góp phần đưa đến cho bạn đọc cái nhìn đa dạng về thế giới tâm hồn con người, những góc khuất, góc riêng tư, những suy nghĩ thầm kín, để thấy con người không đơn giản, không nên nhìn nhận một chiều hay quá đòi hỏi trách nhiệm xã hội của người trẻ mà không chú ý đến tâm tư, tình cảm của họ. Vấn đề ở đây, tôi nghĩ là cách thể hiện, cách viết của các tác giả có thuyết phục hay không mà thôi. Bản thân tôi, trong tập thơ "Mùa biến động", tôi cũng truyền tải nhiều suy ngẫm về thái độ sống, tinh thần nhập cuộc hay trách nhiệm của mỗi người trước các vấn đề của xã hội, của đời sống tự nhiên, đời sống văn hóa. Và thực chất, khai thác các đề tài thời sự, nhưng cần giải thích thêm là tôi không muốn dừng lại ở câu chuyện, sự việc, hiện tượng đó, mà cần nói thêm, nói sâu và xa hơn từ sự sống động, sôi động mà chúng ta đang chứng kiến, tham dự.       

Tập trung vào đề tài thời sự, anh có lo ngại thơ mình bị… khô?

Câu chuyện "khô" hay "ướt" phụ thuộc vào tay nghề của tác giả thôi. Nếu chỉ đơn giản là diễn lại, lắp vần, tạo nhạc tính cho những thông tin, nội dung, nhận định trước đời sống hiện tại thì đâu cần sáng tác nữa. Mà như tôi chia sẻ, từ cái đó để vươn đến những cái khác nữa, rồi lại từ đó mà quay lại soi chiếu thực trạng, vấn đề hôm nay, công việc này đòi hỏi sức liên tưởng, sự kết cấu mới và khác cho cái cụ thể mà chúng ta đang chứng kiến. Xen kẽ vào là những chi tiết, hình ảnh, hành động mà tác giả phải sáng tạo, lựa chọn. Vì thế, nếu nói cái lớn, cái rộng, cái thời sự mà thể hiện được sinh động thì tôi nghĩ sẽ cuốn hút. Sự cảm nhận thì xin để đồng nghiệp, bạn đọc. Nhưng tự cá nhân mình, một cái ý về nguy cơ bệnh dịch, bất trắc có thể lây nhiễm vào chúng ta rất nhanh, nếu tôi nói "bệnh dịch đến sát chúng ta rồi", thì còn gì là thơ (Cười). Tôi phải viết là: "Không cười đùa được nữa/Kẻ thù đang cùng chúng ta dùng bữa…". Hoặc muốn ca ngợi cánh đồng, hạt gạo, mà tôi nói rằng đẹp lắm, ngon lắm, quý lắm, thì nói chuyện thông thường thế này là đủ. Còn để thành thơ, tôi phải viết về một bí mật, bí mật ấy chính là: "Rồng sinh ra từ hạt lúa". Ví dụ như vậy.

Anh tự thấy chất lượng "Mùa biến động" so với "Gió ngũ sắc" thế nào?

So sánh một cách hình ảnh nhưng chưa thật đầy đủ, thì tập thơ năm ngoái của tôi, "Gió ngũ sắc", như những cái cây mọc lên những chiếc lá sắc cứa vào da thịt. Còn "Mùa biến động" là vùng đồi rộng với những hàng cây vươn lên trong gió mạnh (Cười). Nói tạm vậy thôi, chứ trong bề rộng và sự tràn lấp, phải có những điểm nhấn để làm nên sự bất ngờ và ám ảnh, chẳng hạn thế!

Hẳn là anh sẽ tiếp tục có những trăn trở, kế hoạch sáng tác trong thời gian tới. Bởi như một số người viết, khi bước theo một dạng khác là lại muốn bước tiếp?

Mỗi khi in xong một tập thơ, tôi lại có cảm giác nó cũ ngay rồi, và mình lại nghĩ đến những cái ý khác, nội dung khác, mơ hồ hình thành dần những cách diễn đạt khác. Mặc dù, thực tế là tinh thần của một tác giả, nhiều khi lại rất bền bỉ, xuyên suốt qua những tập thơ. Theo cái mạch "Mùa biến động", tôi đang tiếp tục ngẫm nghĩ về cách thể hiện những cái nổi cộm của đời sống, những cái ghê gớm mà ta phải đối diện, trả lời. Tôi cũng muốn đi sâu nữa vào các suy nghĩ đa dạng trong đời sống nội tâm, vì tôi thấy nhiều khi nó quá nhiều tầng lớp, quá nhiều biểu hiện kỳ lạ, kỳ dị nữa. Nếu mở được ra cái đó từ chính mình, từ cảm nhận với xung quanh, và sáng tạo được cách kể, cách dẫn dắt, đặc biệt là xây dựng hệ thống hình ảnh, hành động có sức lay động, thì từ chỗ ấy, thơ sẽ bay lên.   

Xin cảm ơn anh!