Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khoảng cách giới trong các lĩnh vực tiếp tục được rút ngắn, được quốc tế ghi nhận

(Dân sinh) - Đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh viện dẫn theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ tiêu bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực nhìn chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Sáng 08/5, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9 nhằm chuẩn bị các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Chỉ tiêu bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tại Phiên họp này, Ủy ban Xã hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022; tham gia thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2023;

Đồng thời, cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Ủy ban cũng cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 và dự kiến đến hết năm 2023; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế. 

Tại phiên họp, báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, có 9/20 chỉ tiêu đã đạt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 và tiếp tục duy trì, thực hiện tốt hơn. Có 7/20 chỉ tiêu có kết quả tiến bộ hơn so với năm 2021 và phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm

Tỉ lệ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 60% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương trên tổng số lao động nữ có việc làm đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.

Tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm là 28,45%, giảm 0,18% so với năm 2021 là 28,63%, (chỉ tiêu đề ra dưới 30% vào năm 2025). Chỉ tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 28,2% (từ năm 2021), đạt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là ít nhất 27%.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện và được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là 97,07%, vượt chỉ tiêu đề ra là 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Duy trì và đạt 100% tỷ lệ số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Đánh giá về tình hình thực hiện bình đẳng giới, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà báo cáo kết quả thực hiện các Mục tiêu Quốc gia về Bình đẳng giới năm 2022

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà báo cáo kết quả thực hiện các Mục tiêu Quốc gia về Bình đẳng giới năm 2022

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm, năm 2022, mặc dù vừa trải qua diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 và phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế nhưng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

So với năm 2021, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã có những tiến triển. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 tăng 4 bậc so với năm 2021 (từ vị trí thứ 87/146 quốc gia lên vị trí thứ 83/146 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực nhìn chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, đại biểu đặc biệt lưu ý những tác động của dịch bệnh Covid - 19 tới phụ nữ và các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là những tác động về thể chất, tinh thần, làm gia tăng khoảng cách bình đẳng giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn mỏng; công chức chuyên trách công tác bình đẳng giới cơ bản là phụ nữ (chiếm 71,6%) và thường xuyên luân chuyển, biến động hàng năm; kỹ năng, kiến thức về bình đẳng giới còn hạn chế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm phát biểu

Đạt nhiều tiến bộ rất tích cực

Làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Chính phủ đã báo cáo đầy đủ, công khai, minh bạch các chỉ tiêu. Tất cả các số liệu dựa trên phân tích, kiểm tra, đánh giá từ thống kê và kiểm tra thực tiễn của các địa phương.

Lãnh đạo Bộ cho biết thêm, sau phiên họp này, ngành chức năng sẽ rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu. Trên cơ sở đó, sẽ họp lại và có những định hướng điều chỉnh kế hoạch thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đến năm 2025.

Nhấn mạnh, bình đẳng giới thời gian qua có những tiến bộ rất tích cực, tuy nhiên theo ông Đào Ngọc Dung, sự thay đổi “không thể thấy ngay trong ngày một, ngày hai được".

Bộ trưởng dẫn chứng, chỉ riêng về công tác cán bộ, không dễ để giới thiệu được một trường hợp nữ.

“Thời gian vừa qua, Việt Nam trải qua 3 giai đoạn quan trọng: giai đoạn căng mình đối phó dịch bệnh; giai đoạn mở cửa; giai đoạn phục hồi và tăng tốc phát triển. Ba giai đoạn này đều liên quan vấn đề giới, bình đẳng giới. Đại dịch Covid-19 là bài "test" ác liệt với chính sách an sinh xã hội”, Bộ trưởng nói và chia sẻ, trong số những người bị ảnh hưởng, phải rời bỏ thành phố về quê chiếm tỷ lệ lớn là lao động nữ, bởi hầu hết lĩnh vực thâm dụng lao động chủ yếu là lao động nữ.

Về nhận thức, Bộ trưởng cho rằng, trong bình đẳng giới không chỉ riêng phụ nữ nhưng đối tượng nữ thường được quan tâm hơn do chịu thiệt thòi, là đối tượng yếu thế nhất. Nhận thức về bình đẳng giới thời gian qua có tiến bộ qua các mục tiêu, nhiệm vụ từ công tác cán bộ, các chính sách đối với nữ nhiều chính sách ưu tiên vượt trội cho bà mẹ mang thai, phụ nữ sinh con.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Ngoài ra, ông Dung cũng nêu rõ việc xây dựng chỉ số bình đẳng giới, xếp hạng các địa phương hằng năm như chỉ số trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cùng bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chỉ số thống kê, đánh giá. Ông nhìn nhận, cả hệ thống cần "chiến đấu" lâu dài cho sự tiến bộ của phụ nữ, không thể hi vọng nhảy vọt, mà cần từng bước vững chắc.

Bên cạnh đó, ông đề cập trong bình đằng giới, cần tính ở cả hai phía. “Bản thân đàn ông cũng bị mất bình đẳng. Nhiều đàn ông cũng bị bạo lực tinh thần, tâm lý", Bộ trưởng chia sẻ.

Tán thành ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng nhận thức về bình đẳng giới cần quan tâm với cả nam và nữ giới. Thực tế, những vấn đề của nam giới chưa được quan tâm đầy đủ trong chiến lược bình đẳng giới cũng là một thiếu sót. Bà nhấn mạnh, trong một số lĩnh vực nam giới cũng yếu thế nên phải hết sức lưu ý về vấn đề này.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2022 dù còn ảnh hưởng của Covid-19, theo đó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh viện dẫn theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đáng tự hào là chỉ tiêu bình đẳng giới của Việt Nam tăng đến 4 bậc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 là rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, đồng thời đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo về bình đẳng giới và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt chất lượng cao.

Lao động, việc làm quý I/2023 tiếp tục đà phục hồi

Tại phiên họp, Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2023 và dự kiến đến hết năm 2023 cho thấy, tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước; tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45 nghìn người, đạt khoảng 40% kế hoạch năm, góp phần giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp.

Về bảo trợ xã hội, giảm nghèo, ưu đãi người có công với cách mạng, trong 4 tháng đầu năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH tập trung xây dựng đề cương nghiên cứu đề án Luật sửa đổi, bổ sung Luật người cao tuổi và đề án sửa đổi, bổ sung Luật người khuyết tật; xây dựng dự thảo và hồ sơ trình Chính phủ Nghị định về công tác xã hội.

Chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt đầu năm 2023.

Về phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể; tổ chức các nghiên cứu, báo cáo đánh giá tác động; các hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia về các vấn đề quản lý phục vụ xây dựng hồ sơ dự án sửa đổi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm. Hướng dẫn lồng ghép Chương trình phòng, chống mại dâm với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở.

Hướng dẫn triển khai và nhân rộng các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh với các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật hiện hành.