Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không chỉ Giang Ơi, nhiều người nổi tiếng dù kinh nghiệm đầy mình vẫn bị lừa khi đi du lịch, thậm chí còn bị cướp hết tiền

Qua các vụ việc không may mà những người nổi tiếng này gặp phải, chúng ta cần nắm vững một số lưu ý quan trọng để bảo vệ an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.

Giờ đi du lịch luôn phải cảnh giác. Ngoài những phút giây thư giãn, vui vẻ, đôi khi sẽ có những chuyện không may xảy đến như bị chèo kéo, “chặt chém”, trộm cắp… Ngay cả những người nổi tiếng, từng vi vu khắp nơi, kinh nghiệm đầy mình như Khoa Pug, Giang Ơi, Bảo Thy, Hương Tràm… cũng gặp phải những vụ việc không mong muốn

Qua đó, chúng ta luôn cần nắm vững một số lưu ý quan trọng để bảo vệ an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh khi đi du lịch.

Giang Ơi - Khoa Pug bị lừa đảo, “chặt chém” 

Vụ việc gần nhất xảy đến với Giang Ơi khi cô cùng nhóm bạn đi du lịch Nha Trang. Trên đường di chuyển từ resort đến quán ăn, tài xế taxi đã đưa cả đoàn đến một quán khác so với yêu cầu ban đầu. Nhân viên trong quán đã “lùa” nhóm Giang Ơi vào quán dù cả đoàn còn lưỡng lự. Mọi người được chọn hải sản tươi sống và dùng bữa như bình thường, cho đến khi thanh toán bữa ăn hơn 5 triệu nhưng không ngon miệng, lúc này Giang Ơi mới biết đã bị lừa đảo.

Vụ việc vừa được Giang Ơi chia sẻ trong vlog mới nhất.

Với Khoa Pug, dù là travel vlogger kinh nghiệm đầy mình, đi du lịch năm châu bốn bể nhưng khi tới Ai Cập tham quan Kim Tự Tháp và Tượng Nhân Sư, anh vẫn bị “xin đểu”, chèo kéo và chèn ép tiền một cách trắng trợn. Khi tham quan Kim Tự Tháp, dù đã mua vé trọn gói ở ngoài cửa, nhưng khi vào trong, các thủ tục “làm tiền” mới khủng khiếp hơn.

"Mình mua vé tổng 500B để vào bên trong Kim Tự Tháp, nhưng lại bị chặn lại và xin tiền. Mình phải tốn 20EPG cho ông canh cổng, vào trong 5m có ông cảnh sát núp ở trong, xin tiếp 100EPG. Vâng, cảnh sát và những người lừa đảo xin tiền ở đây phối hợp rất nhịp nhàng." - Khoa Pug chia sẻ.

Đến khi ra về, Khoa Pug lại “dính” một chiêu thức moi tiền khác: chụp ảnh mất 50EPG với một người đàn ông lạ mặt dù anh không có nhu cầu.

Khi chuyển sang tham quan Tượng Nhân Sư, Khoa Pug và quay phim lại bị chèn ép còn “cao tay” hơn bởi một người lái xe ngựa cao tuổi. Dù đã phải mặc cả và xác nhận rất kỹ trước khi lên xe ngựa, nhưng Khoa Pug không ngờ đang đi giữa đường, người lái xe ngựa thẳng thừng đòi thêm tiền, nếu không chịu thì tự xuống đi bộ? Ở tình thế giữa sa mạc hoang vu này, Khoa Pug buộc phải trả thêm tiền cho “bậc thầy lừa đảo”. 

Sau vụ trên, Khoa Pug còn mất tiền oan thêm 2 lần nữa cũng nhờ mánh khoé đòi tiền của tên lái xe ngựa và một kẻ rủ cưỡi lạc đà, không trả tiền thì không đưa xuống.

Từ vụ việc của Giang Ơi và Khoa Pug, có thể thấy vô vàn cách bẫy khách, “chặt chém” và chèo kéo tinh vi, trắng trợn của những người làm dịch vụ không có tâm, trục lợi bất chính. Vì vậy, bạn luôn cần phải cảnh giác dù đi bất cứ đâu với một số lưu ý sau:

- Vé máy bay, khách sạn, taxi ra sân bay nên đặt từ trước và lựa chọn hãng uy tín.

- Di chuyển trong địa danh sử dụng các ứng dụng đặt xe hoặc taxi uy tín.

- Tìm hiểu các review trên hội nhóm du lịch, có chọn lọc trước những điểm đến muốn đi.

- Nếu cần tư vấn, nên hỏi lễ tân khách sạn, cân nhắc trước lời khuyên của những lái xe vì có thể họ là "cò mồi".

- Chỉ nên nói địa chỉ (số nhà, đường…) cho tài xế/ người lái xích lô/ xe ôm, không nên nói tên quán để tránh bị dẫn sai.

- Sử dụng Google maps để định vị và theo dõi vị trí khi di chuyển trên tuyến đường.

- Có thái độ cương quyết, bình tĩnh khi bị đưa đến sai địa chỉ, ở nguyên trên xe nếu được.

- Không mang theo bên người nhiều tài sản quá quý giá.

- Đừng ngại mặc cả.

- Luôn giữ hoá đơn, lịch sử thanh toán điện tử.

- Lưu số đường dây nóng và nắm được tình hình chính quyền ở địa phương để báo cáo sai phạm, lừa đảo, bị chặt chém…

- Đọc kỹ quy định tham quan các địa danh, tham khảo review hành trình từ các hội nhóm để nắm được tình hình.

- Một số chiêu bài “xin tiền” của nhóm lừa đảo: giả vờ người ăn xin, chụp ảnh chung, gác cổng, dẫn đường, chỉ đường…

- Hạn chế đến những nơi được cảnh báo là tình trạng lừa đảo, “chặt chém” đầy rẫy, ngang ngược.

Bảo Thy, Hương Tràm và loạt sao Việt bị giật cướp tài sản khi đi nước ngoài

Trường hợp ghi nhận gần đây nhất là với Hương Tràm trong 11/2019, nữ ca sĩ đã gặp sự cố không may khi bị móc túi mất trộm toàn bộ tiền trên đường tới NewYork, Mỹ

Không chỉ Giang Ơi, nhiều người nổi tiếng dù kinh nghiệm đầy mình vẫn bị lừa khi đi du lịch, thậm chí còn bị cướp hết tiền - Ảnh 5.

"Cứ bay một mình là y như rằng. Đến bao giờ những kẻ móc túi mới lãng quên mình nhỉ? New York mộng mơ, ngó lơ mất cái bóp. Giải ngố kiểu không xu dính túi vậy", nữ ca sĩ chia sẻ.

Trước Hương Tràm, Bảo Thy cũng đã gặp tình huống mất cắp trong chuyến đi châu Âu vào tháng 05/2019. Khi di chuyển từ Venice đến thành phố Milan, Bảo Thy đã bị kẻ xấu ăn cắp hành lý ngay trước mắt tại ga tàu mà không thể làm gì được.

Không chỉ Giang Ơi, nhiều người nổi tiếng dù kinh nghiệm đầy mình vẫn bị lừa khi đi du lịch, thậm chí còn bị cướp hết tiền - Ảnh 6.

Bảo Thy đã chia sẻ vụ việc trên trang cá nhân, cô tự nhận trong cái rủi có cái may vì vali mất cắp chỉ là quần áo và đồ cá nhân chứ không phải đồ đạc quá quan trọng. Nhưng vẫn là một lời cảnh báo về vấn nạn trộm cắp ở châu Âu.

Ngoài Bảo Thy và Hương Tràm, tháng 7/2019, Ngô Thanh Vân cũng bị cướp điện thoại, tiền mặt và 2 thẻ tín dụng trong chuyến du lịch Anh; nam ca sĩ Trịnh Thăng Bình cũng bị mất ví gồm giấy tờ, thẻ tín dụng và tiền bạc trong chuyến đi Úc năm 2017; danh ca Mỹ Linh bị lấy toàn bộ tiền mặt trong ví khi đang đi máy bay năm 2015... 

Sao Việt có hành trình lưu diễn, du lịch dày đặc nên thường xuyên di chuyển sang nước ngoài và không ít nghệ sĩ đã gặp phải tình trạng cướp giật, móc túi ở những nơi công cộng. Từ ga tàu, sân bay, thậm chí là trên máy bay cũng là nơi để kẻ xấu hoành hành. Đừng nghĩ trời Âu là văn minh vì ở đâu cũng luôn có kẻ xấu sẵn sàng lợi dụng sơ hở để trộm cắp, cướp giật tài sản, đe doạ tính mạng khách du lịch. Chính vì vậy, phòng ngừa không bao giờ là thừa:

-  Không nên đem nhiều hành lí xách tay khi đi máy bay. Nếu có thể, nên gom tất cả vào 1 vali/ túi hoặc balo to, tránh mang vác cùng lúc quá nhiều để đỡ phải quên.

- Phân bổ các loại tiền bạc vào các túi khác nhau, thậm chí có thể gửi nhờ bạn bè một ít cho an toàn. Tóm lại, bài học là không nên cho tất cả trứng vào cùng một rổ.

- Lưu toàn bộ ảnh chụp passport, CMND, giấy tờ xe và những thông tin cần thiết khi đi du lịch như số điện thoại Lãnh sự quán, địa chỉ & số điện thoại khách sạn vào một nơi an toàn như hộp mail cá nhân, iCloud, ghi chú điện thoại...

- Luôn cẩn thận với các khu vực đông người bao gồm đường phố, tàu điện, xe buýt và khu tham quan đều là những địa điểm thu hút không chỉ du khách mà cả những kẻ trộm cắp.

- Đừng nghĩ rằng trộm cắp chỉ nhắm vào những người diện đồ hiệu, quần áo đẹp. Tương tự, những người trông lịch sự, sáng sủa cũng hoàn toàn có thể là trộm cướp.

- Nên mang balo phía trước ngực và không được để bóp, ví phía sau túi quần, hoặc để điện thoại trong túi quần. 

- Khi ngồi tại các quán ăn, du khách nên để ví tiền, điện thoại hay bất cứ thứ gì quý giá vào một chỗ. Nên móc chân vào quai balo khi để dưới đất hoặc để túi xách trước ngực, tuyệt đối không treo ở sau ghế hoặc bàn.

- Nếu bạn thường xuyên đến những nơi thiếu an toàn, có thể cân nhắc mua các loại balo chống trộm.

- Hãy ăn mặc đơn giản, chọn các màu sắc trung tính không gây sự chú ý. Hạn chế đeo máy ảnh trước ngực khi băng qua đường để tránh bị giật.

- Trên tàu điện, xe buýt không nên đứng hay ngồi gần vị trí các cửa ra vào. Rất nhiều kẻ xấu lợi dụng những lúc phương tiện dừng để giật đồ và bỏ chạy lẫn vào đám đông.

- Du khách nên dùng thẻ tín dụng, vì các thẻ này được ngân hàng bảo vệ kỹ hơn khỏi các trường hợp giao dịch bất thường. 

- Tránh rút tiền tại các cây ATM công cộng, đặc biệt là ở khu vực mất an ninh. Kẻ xấu có thể làm kẹt thẻ trong khe, hoặc gắn chip để lấy trộm thông tin thẻ.

- Cuối cùng, nếu không may bị kẻ xấu trộm cướp thì tốt nhất không nên chống trả. Hãy báo cảnh sát địa phương gần nhất, vì dù sao tính mạng bản thân vẫn quan trọng hơn cả.