Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không chỉ là tờ "giấy đi đường"

(Dân sinh) - Thời gian qua, vấn đề cấp giấy đi đường cũng như kiểm soát đi lại liên phường, liên quận, liên tỉnh một cách cực đoan và thiếu nhất quán đang dẫn tới nhiều hệ lụy - trong đó dễ thấy nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến cho đời sống của người dân đã khó càng khó khăn hơn.

Dư luận ở TP.HCM những ngày qua xôn xao quanh Clip việc một Bác sĩ là Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất bị "xét hỏi giấy tờ" một cách "thái quá". Vị Bác sĩ này đang có rất nhiều trách nhiệm nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Thời gian của ông có thể được quy đổi thành những sinh mạng. Trong khi đó, thành phố cũng đã có quy định lực lượng cán bộ, nhân viên y tế chỉ cần sử dụng một số giấy tờ nhất định là có thể "thông chốt". Thế nhưng, những người thi hành công vụ, có thể do nắm chưa vững quy định, nên lại có những yêu cầu vượt thẩm quyền, gây khó dễ cho việc đi lại của vị bác sĩ này.

Không chỉ là tờ "giấy đi đường" - Ảnh 1.

Những ngày qua, người dân Hà Nội lại thêm một phen cuống cuồng để "chạy" giấy đi đường. Theo đó, ngày 3/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 20 nhằm tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo công điện này, TP Hà Nội yêu cầu thay đổi mẫu giấy đi đường và cơ quan có thẩm quyền cấp, tập trung đầu mối về Công an TP Hà Nội. Không những vậy, tất cả các đối tượng sinh sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô đều phải chấp hành việc xin mẫu giấy đi đường mới từ lực lượng công an đông thành phố. Mẫu giấy đi đường sẽ mới sẽ có hiệu lực từ ngày 6/9.

Quy định trên của UBND TP Hà Nội khiến cả đêm 4/9 nhiều cá nhân, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp mất ngủ vì lo lắng không kịp xin giấy đi đường mới. Tới sáng 5/9, Hà Nội lại tuyên bố một số cơ quan, đơn vị không phải thực hiện xin cấp giấy đi đường mới; đến ngày 7/9 thì Hà Nội lại tuyên bố sử dụng cả hai mẫu giấy mới và cũ, khiến dư luận xã hội rối tung lên không biết thực hiện sao cho đúng, tốn thời gian, công sức của cán bộ và nhân dân.

Trước đó, trong tháng 8, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành công văn hỏa tốc tới các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, yêu cầu siết chặt hơn nữa biện pháp phòng đại dịch Covid-19. Theo đó, người dân khi ra đường không chỉ phải mang theo giấy đi đường, CCCD/CMND, mà còn phải có lịch công tác, lịch trực cơ quan... Tuy nhiên, ngay sau 1 ngày, UBND TP Hà Nội đã phải thu hồi, bãi bỏ quy định không phù hợp này. Tưởng đó sẽ là một kinh nghiệm quý báu trong việc ban hành quy định phòng dịch, ai ngờ tới đầu tháng 9, Hà Nội lại đưa ra quy định thiếu khoa học.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, ngày 8/9 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Giấy đi đường chỉ là câu chuyện nhỏ, nhưng những rắc rối quanh vấn đề này nếu không được tổ chức khoa học thì hệ quả của nó để lại là rất lớn. Đó là sự giảm sút lòng tin, sự hồ nghi của người dân vào chính quyền trong cuộc chiến chống Covid-19.