Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không để huyết mạch tài chính ngừng chảy

(Dân sinh)- "Nghe mẹ nói cuối tuần này mẹ sẽ về, hai đứa nhỏ ngày nào cũng gọi điện nhắc mẹ "đừng có quên". Tụi nó tính từng giờ, thương lắm cơ!" - Huỳnh Thị Ngọc, nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) phòng giao dịch Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể.

Đã 3 tuần nay, Ngọc không về nhà. Cô cùng hơn 10 đồng nghiệp đi làm "3 tại chỗ". Phòng giao dịch ngân hàng trở thành "ngôi nhà thứ hai" của cô. "Những ngày đầu chưa quen, cảm thấy hơi gò bó, khó chịu. Nhưng dần rồi cũng quen, nhất là xung quanh mình, các bạn đồng nghiệp đều vui vẻ và sẵn sàng chia sẻ mọi việc. Đến giờ, em đã cảm thấy cuộc sống trở nên thoải mái và đầm ấm hơn", Ngọc chia sẻ.

Không để huyết mạch tài chính ngừng chảy - Ảnh 1.

Phòng giao dịch ngân hàng vẫn duy trì hoạt động giữa đợt cao điểm dịch

Trung Sơn, Bình Chánh là một trong những vùng dịch bùng phát mạnh. Ngoài đường, tiếng còi xe cứu thương hú suốt ngày, không khỏi gây cảm giác căng thẳng. Thế nhưng, "huyết mạch tài chính không thể ngừng chảy, công việc của những nhân viên ngân hàng như tụi em luôn phải duy trì, luôn phải đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất. Vì vậy, mỗi buổi sáng thức dậy, điều đầu tiên là em phải tự dặn lòng mình phải cố gắng vượt qua những khó khăn, gác lại việc riêng tư để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa làm việc với trạng thái tinh thần tốt nhất", Ngọc bộc bạch.

Không để huyết mạch tài chính ngừng chảy - Ảnh 2.

Huỳnh Thị Ngọc cùng các đồng nghiệp bắt đầu đợt làm việc "3 tại chỗ" hồi giữa tháng 7

Khoác trên mình chiếc áo bảo hộ PPE, đeo kính chống giọt bắn làm việc suốt từ sáng tới chiều, cảm giác nóng bức, ngột ngạt là không tránh khỏi. Vậy nhưng, Ngọc cùng các đồng nghiệp luôn so sánh mình với những nhân viên y tế ở tuyến đầu để thấy rằng "mình vẫn còn sung sướng hơn", để tự động viên nhau ráng chịu đựng mà làm việc.

Môi trường "3 tại chỗ" đối với hoạt động dịch vụ, hằng ngày phải giao tiếp với nhiều khách hàng không giống với "3 tại chỗ" tại các doanh nghiệp sản xuất. Đó là một dạng "bong bóng mở", mọi rủi ro vẫn có thể xảy ra. Vì vậy mà việc tổ chức hoạt động trong phạm vi phòng giao dịch phải rất chặt chẽ, khoa học. "Trong mỗi thời điểm chỉ tiếp tối đa 5 khách hàng. Việc kiểm tra y tế nghiêm ngặt từ ngoài cửa, bố trí chỗ ngồi đảm bảo khoảng cách trong phòng giao dịch, bố trí luồng đi riêng cho những khách hàng có "nghi ngờ", trang bị cho khách hàng các dụng cụ bảo hộ, thường xuyên khử khuẩn...

Không để huyết mạch tài chính ngừng chảy - Ảnh 3.

Huỳnh Thị Ngọc trong "túp lều lý tưởng" của mình

Sau giờ làm việc, Ngọc chui vào "túp lều lý tưởng" của mình. "Giờ nghỉ, tụi em cũng phải giãn cách, ở yên trong lều của mình. Đó là lúc mà mình dễ cảm thấy "tâm trạng" nhất. Nhà em ở TP Thủ Đức, cách nơi làm việc khoảng 20 km, không quá xa, nhưng không thể về được. Vì thế mà tối nào em cũng dành nhiều thời gian để gọi điện thoại trò chuyện với các con. Hai đứa con em còn nhỏ xíu, thường ngày ở nhà lúc nào cũng quấn mẹ. Giờ mẹ đi làm lâu không về tụi nó nhớ ghê lắm. Em cũng rất nhớ con, nhưng khi gọi điện cho con thì luôn phải kìm lòng, không lộ cảm xúc để các con cảm thấy yên tâm.

Ngọc viết trong nhật ký của mình: "Sắp 3 tuần rồi. Hai đầu cầu nỗi nhớ. Mong hết tuần này về với hai em". Cô gửi nỗi nhớ vào những dòng chữ chan chứa yêu thương, mong cho đến ngày hết dịch, thành phố trở lại bình yên...

Những ngày xa cách có thể còn kéo dài. Bởi sắp tới, sau khi mức độ giãn cách được "nới" nhưng cuộc chiến thầm lặng sẽ vẫn còn tiếp diễn...