Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không được để “cái khó bó cái khôn”, kiểm soát suy giảm, tạo đà khi hết dịch là khôi phục sản xuất

(Dân sinh) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng "trong nguy có cơ". "Trong cái khó phải ló cái khôn, không được để “cái khó bó cái khôn”. Các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua khó khăn để trước mắt kiểm soát suy giảm, từng bước tạo đà khi hết dịch là khôi phục được ngay sản xuất kinh doanh", ông Huệ nhấn mạnh.

Sáng 24/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội và một số tổng công ty trên địa bàn thành phố về tình hình sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Các dòng đầu tư thế giới bị ách tắc, suy giảm

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến tháng 4/2020, Bí thư Thành ủy sẽ đối thoại với các doanh nghiệp nhằm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về "Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân".

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải khẩn trương tìm ra kế sách, giải pháp thích ứng với tình hình mới nên cần triển khai sớm việc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ khối DN của Thành phố.

Nhận định tình hình kinh tế thế giới khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết các chuỗi giá trị đang bị đứt gãy, các dòng đầu tư thế giới bị ách tắc, suy giảm.

Trước tình hình đó, Bí thư cho rằng nhiệm vụ của khối doanh nghiệp trên địa bàn đóng vai trò quan trọng trong góp phần hạn chế đà suy giảm kinh tế và thúc đẩy kinh tế khi hết dịch nhằm bảo đảm việc làm, tạo nguồn thu ngân sách, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhất là năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thực tế, Bí thư Thành ủy cho rằng "trong nguy có cơ". Ông nêu ví dụ, "một doanh nghiệp sản xuất các buồng khử khuẩn toàn thân với giá 120 triệu đồng/sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Ngành dệt may vừa qua cũng chuyển mạnh sang sản xuất đồ bảo hộ và khẩu trang. Do đó, trong cái khó phải ló cái khôn, không được để "cái khó bó cái khôn". Các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua khó khăn để trước mắt kiểm soát suy giảm, từng bước tạo đà khi hết dịch là khôi phục được ngay sản xuất kinh doanh".

Đồng thời, Bí thư đề nghị Đảng bộ khối Doanh nghiệp Thành phố giải quyết quan hệ lao động trong doanh nghiệp hài hoà trước nguy cơ người lao động mất việc làm, giảm lương, góp phần bảo đảm ổn định xã hội.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng khẳng định, cuộc làm việc còn nhằm kiểm tra công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhằm làm rõ tình hình, tiến độ, chất lượng đại hội tổ chức đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở và chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội, các đảng bộ tổng công ty... và một số nhiệm vụ quan trọng như: Việc cổ phần hóa, thoái vốn, giải quyết đất đai, tài sản; giải quyết các vấn đề tồn đọng, nổi cộm...

Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội là Đảng bộ lớn với 15.000 đảng viên, công tác tại 109 đảng bộ trực thuộc, với nhiều loại hình đang dạng, địa bàn hoạt động không chỉ ở Thủ đô mà ở cả các địa phương khác trên cả nước.

Các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ có 170.000 lao động, đóng góp ngân sách quan trọng cho Thủ đô.

Khẩn trương đề xuất đưa các khách sạn vào cách ly tập trung

Cũng tại cuộc làm việc, ông Vương Đình Huệ biểu dương, đánh giá cao tinh thần của UBND thành phố đã xây dựng Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính 250 giường trong thời gian một tuần.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội đánh giá, việc cải tạo nâng cấp bệnh viện để kịp thời khám chữa bệnh trong phòng chống dịch COVID-19 một cách rất khẩn trương, thể hiện tinh thần làm việc rất quyết tâm, có trách nhiệm và vào cuộc kịp thời của chính quyền và doanh nghiệp xây dựng.

Vì vậy, ngành chức năng cần kịp thời biểu dương, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền tới người dân để việc làm tốt này được nhân rộng.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn nêu cao tinh thần phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời vào cuộc xây dựng các điểm cách ly, bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính khi thành phố cần.

Tại cuộc họp, theo báo cáo trực tiếp từ đại diện các tổng công ty thuộc thành phố tại buổi làm việc cho thấy, hiện hầu hết các ngành nghề kinh doanh đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là ngành du lịch, khối khách sạn và ngành giao thông vận tải, khối vận chuyển hành khách công cộng.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, vào tuần trước, Tổng công ty đã đề xuất với thành phố cắt giảm trên 1.000 lượt xe/ ngày vì lượng khách sụt giảm, đồng thời cũng giảm việc sử dụng phương tiện công cộng để tránh lây nhiễm bệnh.

Về lĩnh vực bến xa, lượng khách, lượng xe vào các bến giảm 40% sản lượng cũng như doanh thu. Về kinh doanh địa điểm đỗ xe giảm 10%...

"Trong lĩnh vực vận tải công cộng, với 7.000 lao động bị ảnh hưởng gồm những nhân viên bị ảnh hưởng trực tiếp như lái xe, bán vé, nhân viên sửa chữa…, chưa kể những lực lượng bị ảnh hưởng gián tiếp. Với việc giảm tần suất trên 1.000 lượt xe buýt mỗi ngày thì Tổng công ty đã phải cho nhân viên giãn công, giãn ca, nghỉ giãn cách để đảm bảo vẫn duy trì được…", ông Trung nói.

Tương tự, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, ngành du lịch ảnh hưởng rất nặng nề. Hiện hầu hết khách sạn của thành phố đều chỉ đạt công suất phòng từ 10-15%.

Đại diện Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, hiện khách sạn Hòa Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được đào tạo, tập huấn, hoàn thiện thủ tục để trở thành điểm cách ly tập trung cho những chuyên gia cao cấp của nước ngoài.

Đến thời điểm này đã có khoảng hơn 20 người được đưa vào cách ly tại đây, đều là khách do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 điều phối…