Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không tự điều trị khi bị kiến ba khoang đốt

Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, cũng thường bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.

Hơn 10 ngày qua, tại Bệnh viện Da liễu T.Ư, lượng bệnh nhân đến khám do kiến ba khoang tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận và khám cho hơn 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Không tự điều trị khi bị kiến ba khoang đốt - Ảnh 1.

Dễ nhầm với zona thần kinh

Bệnh nhân gặp nhiều ở các quận, huyện ven đô của Hà Nội, đa phần đến khám sau 3 - 4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên sau khi tiếp xúc với độc tố của kiến. Thậm chí, những gia đình có 2 - 3 người cùng bị kiến ba khoang tấn công, gây tổn thương nặng.

Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, những trường hợp viêm da nặng, tổn thương lan nhanh sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang chủ yếu do chà xát vết đốt, làm độc tố của kiến lan ra. Theo bác sĩ, những trường hợp này cần điều trị kết hợp kháng sinh, kháng histamin giảm đau, ngứa, bội nhiễm và phải mất từ 5 - 7 ngày tình trạng bệnh mới ổn định.

Bác sĩ Quách Thị Hà Giang nhấn mạnh, kiến ba khoang có độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, dễ nhầm với zona thần kinh. Zona là bệnh da do virus thường gây đau, nhức nhiều sau đó xuất hiện mụn nước, bọng nước căng mọc theo từng chùm theo sự phân bố của dây thần kinh và một bên cơ thể. Trong khi đó, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang khiến bệnh nhân đau rát, tổn thương thành từng vệt, rát đỏ, thường gặp ở vùng da hở, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Tổn thương có thể bị mưng mủ nhanh.

Bác sĩ Hà Giang cảnh báo, khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, người dân không nên dùng tay đập chết kiến để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, người bệnh tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương. “Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng một tuần nếu xử trí đúng cách. Người bệnh cần rửa sạch vùng da tiếp xúc dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng. Nếu thấy dị ứng, kích ứng da, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn” - bác sĩ Hà Giang khuyến cáo.

Cách phòng tránh

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, biểu hiện khi bị dính độc từ kiến ba khoang, người bệnh cảm giác râm ran, 6 - 8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, rát đỏ. Từ 12 - 24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn. Sau ba ngày, vết đỏ đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5 - 7 ngày vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất. Nếu không giữ gìn cẩn thận, vết thương có thể bị loét, làm rỉ dịch. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng tránh kiến ba khoang, mỗi gia đình phải thường xuyên vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát và mắc màn ngủ tránh côn trùng. Khi môi trường mật độ kiến ba khoang nhiều, phun thuốc diệt kiến tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua, diệt chúng.

Buổi tối nên tắt các bóng điện có ánh sáng xanh, tím (bóng điện huỳnh quang, bóng tuýp...), thay vào đó, dùng bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng (đèn dây tóc) vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Trước khi đi ngủ, các gia đình nên kiểm tra kỹ giường, gối, chăn, chiếu.

Ngoài ra, người dân nên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng, khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần có phương tiện đồ bảo hộ như quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng.

Biểu hiện lâm sàng khi bị kiến ba khoang cắn:

- Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.

- Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.

- Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu chúng ta ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.

- Người bị đốt có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây ra sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Tiến triển của bệnh sau khi bị kiến ba khoang cắn:

- Sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh có cảm giác râm ran.

- Trong vòng 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ.

- 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình.

- Sau 3 ngày, thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy.

- Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại dát thâm lâu mất.