Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khúc ca khải hoàn ngày thống nhất non sông

(Dân sinh) - 45 năm đã trôi qua nhưng những giai điệu của rất nhiều bài hát ghi dấu ấn của ngày non sông thống nhất vẫn còn vang mãi cho đến hôm nay. Những giai điệu một thời hào hùng ấy đã góp phần thúc giục hào khí của nhân dân cả nước tiến lên với niềm tin sắt đá về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất...

Nhạc sĩ của những bài ca báo hiệu chiến thắng

Bài hát "Giải phóng miền Nam" từng được xem là bài hát chính thức của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác đã tạo nên cao trào kháng Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam với những ca từ hùng hồn, cổ động cho tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của nhân dân miền Nam quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Thắng lợi của phong trào Ðồng Khởi tại các tỉnh miền Nam dẫn đến sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1960 đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, và cũng là sự thôi thúc cho bài hát ra đời. Là người con của miền Nam, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đặt tất cả tình cảm, trái tim mình trong bài hát viết năm 1961, và bài hát đã nhanh chóng lan truyền trong cả nước, làm nức lòng người.

"Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ, chúng ta cùng quyết tiến bước…"

 "Vùng lên! nhân dân miền Nam anh hùng. Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng. Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng, cầm gương ôm súng xông tới. Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời"…

Khúc ca khải hoàn ngày thống nhất non sông  - Ảnh 1.

Giai điệu hùng mạnh, sục sôi khí thế, tiết tấu hành khúc vững chắc mà tràn đầy hứng khởi, nói lên những khát vọng nung nấu trong tim hàng triệu người Việt Nam khi ấy đã khiến bài hát "Giải phóng miền Nam" có mặt khắp nơi trong mọi sinh hoạt tập thể của quân và dân ta. Có lẽ không chỉ những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng trên chiến trường trong cuộc chiến tranh trường chinh của dân tộc, mà nhân dân cả nước hơn lúc nào hết đều mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc vì "Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi, nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời". Và "Giải phóng miền Nam" khi đó đã trở thành lời hiệu triệu của cách mạng Việt Nam, là niềm tin sắt đá và tinh thần lạc quan cách mạng của nhân dân miền Nam anh hùng.

Sau khi bài hát ra đời và được Ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng ra mắt các đồng chí lãnh đạo ở sau sân số nhà 48 Nguyễn Du, Hà Nội. Bài hát đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam. Khắp chiến trường miền Nam và nhân dân cả nước đều biết đến bản hùng ca cách mạng này. Bài hát "Giải phóng miền Nam" đã có sức sống mãnh liệt, trở thành "nhạc hiệu" của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. Có sức mạnh tập hợp đồng bào các tầng lớp nhân dân, cả vùng Mỹ ngụy tạm chiếm kết nối những tấm lòng vì một miền Nam ruột thịt thân yêu.

Có thể nói Lưu Hữu Phước được coi là nhạc sĩ của những bài ca báo hiệu chiến thắng. Ngoài "Giải phóng miền Nam" còn một sáng tác nữa cũng rất nổi tiếng của ông là "Tiến về Sài Gòn". Nghe những giai điệu hào hùng của ca khúc rất nhiều người đã hiểu lầm bài hát này được sáng tác năm 1975 khi 5 cánh quân của ta tiến về Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, tuy nhiên, thực tế "Tiến về Sài Gòn" được ông sáng tác từ năm 1966 như một ca khúc báo hiệu cho ngày giải phóng miền Nam không còn xa nữa.

"Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù

Hướng về đồng bằng, ta giải phóng thành đô

Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này

Tiến về đồng bằng, ta giải phóng thành đô"…

Khúc ca khải hoàn ngày thống nhất non sông  - Ảnh 2.

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón quân giải phóng

"Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" - ngày vui lớn nhất của dân tộc đã đến

Cuộc nổi dậy mùa Xuân năm 1968 đã đánh trực tiếp vào dã tâm xâm lược của Mỹ, là một trong những tiền đề buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta. Và đó cũng chính là thời điểm mà nhạc sĩ Hồ Bắc cho ra đời ca khúc "Sài Gòn quật khởi", bài hát theo nhịp hành khúc hào hùng thể hiện khí thế tiến công và nổi dậy của nhân dân miền Nam nhằm vào hang ổ của Mỹ ngụy.

"Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn. Khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà, Sài Gòn ơi! Ta đang bước trên đường chiến đấu"

Thành công nối tiếp thành công, với chiến lược tấn công "thần tốc, bất ngờ, táo bạo", ngày 30/4/1975, chính quyền ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, nhân dân miền Nam nhất tề nổi dậy giải phóng vùng đất đã 21 năm nằm dưới chân kẻ thù, niềm vui chiến thắng tuôn trào trong mỗi con người Việt Nam và đặc biệt là nhân dân miền Nam. Giây phút lịch sử này hòa chung niềm vui thống nhất của cả dân tộc, những giai điệu của ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" và "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" liên tục được reo lên báo hiệu ngày vui lớn nhất của dân tộc đã đến.

Khúc ca khải hoàn ngày thống nhất non sông  - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Hoàng Hà, người gốc Hà Nội, khi sáng tác bài hát "Đất nước trọn niềm vui" vào ngày 26/4/1975, ông chưa hề biết đến miền Nam. Nhưng với những tin tức từ thắng lợi liên tục của nhân dân miền Nam báo ra Bắc, cùng với một quá trình tích lũy những tư liệu có được, ông đã viết nên những giai điệu mượt mà, tinh tế báo hiệu ngày vui của dân tộc đang đến rất gần.

"Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây…Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông,  Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân…".

Cảm xúc dạt dào của bài hát lên tới cao trào, từng ca từ trong bài hát bật ra từ sâu thẳm trong lòng tác giả. Bài hát làm cho người nghe thêm yêu mến Tổ quốc, càng nghe càng cảm nhận được đất nước Việt Nam tươi đẹp và rạng rỡ hơn bao giờ hết. "Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ quốc muôn đời, trọn vẹn cả non sông đất nước, rạng rỡ Việt Nam".

Với nhạc sĩ Xuân Hồng, một người miền Nam, ông đã viết nên nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng, nhưng có lẽ "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" mới thực sự là đỉnh cao trong các sáng tác của ông. Bài hát được ông sáng tác năm 1975 khi 5 cánh quân giải phóng hiên ngang tiến về Sài Gòn, lật đổ chính quyền Sài Gòn, một trang sử mới của dân tộc được mở ra.

"Thành phố Hồ Chí Minh quê ta, đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời"

Khúc ca khải hoàn ngày thống nhất non sông  - Ảnh 4.

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Mùa xuân năm 1975 là mùa xuân đáng nhớ nhất trong lịch sử dân tộc, mùa xuân thống nhất đất nước, mùa xuân của sum họp của toàn thể nhân dân hai miền đất nước sau bao năm chờ đợi. Một niềm vui khôn xiết tuôn trào nhân ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" nhân ngày giải phóng chính là mùa xuân đẹp nhất của nhân dân hai miền đất nước.

"Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào! Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau. Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…""Ôi ta đang đi giữa rừng hoa, hay ta đi giữa rừng cờ...""...Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình"

45 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn đã thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, nhưng những giai điệu hào hùng về ngày thống nhất  vẫn đọng lại trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt để nhắc lại một thời kỳ chiến đấu quả cảm, quyết tâm đánh bại kẻ thù, giành lại độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Dù ở đất liền hay biển xa đảo vắng, dù thành thị hay nông thôn, dù miền xuôi hay miền núi, những giai điệu này vẫn được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận không chỉ vì ca từ giản dị, chân thành, gần gũi, mà còn góp phần "hâm nóng" tinh thần cách mạng và trở thành bất tử trong lòng nhân dân.