Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khuyến cáo người dân các biện pháp an toàn PCCC mùa nắng nóng

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân, chủ các cơ sở kinh doanh, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị... các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC mùa nắng nóng.

Diễn tập triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng ngừa cháy, nổ tại cơ sở…

Diễn tập triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng ngừa cháy, nổ tại cơ sở…

Do thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ môi trường ở mức cao, nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát, làm lạnh và phục vụ việc sản xuất, kinh doanh tăng cao. Cùng với đó là sự bất cẩn của các tập thể, người dân trong quá trình sử dụng các thiết bị điện dẫn đến xảy ra các sự cố quá tải, chập điện và sự bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình sinh hoạt, đun nấu, thắp hương, thờ cúng khiến nguy cơ cháy, nổ tăng cao.

Để đảm bảo an toàn PCCC trong mùa nắng nóng, đặc biệt là tại các địa điểm tập trung đông người, các cơ sở kinh doanh sản xuất, nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất…, CATP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục tham mưu cho chính quyền cơ sở triển khai tăng cường công tác PCCC mùa nắng nóng…

Cụ thể, người dân khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC. Không được dùng nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ.

Phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ điện có mức độ an toàn cao tự động ngắt điện chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong một ổ cắm, không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm; không được dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện, không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu móc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện.

Không nên dùng dây điện trần để dẫn điện, nên dùng dây dẫn điện đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, phải luồn dây điện trong những ống luồn chuyên dụng có khả năng chống cháy cao. Không đi dây dẫn điện qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng các thiết bị như bàn là, bếp điện, các thiết bị điện có gia nhiệt phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị bệnh tâm thần... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.

Không để các chất dễ cháy, như mút xốp, giấy, bông, vải, sợi... gần các thiết bị dụng cụ điện, trước khi ra khỏi phòng phải đóng ngắt tất cả các thiết bị điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Thường xuyên và định kỳ kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về PCCC do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy, nổ. Không sử dụng vật liệu là chất dễ cháy để làm mái, trần nhà, vách ngăn. Cửa đi qua tường ngăn cháy có giới hạn chịu lửa theo quy định. Các khu vực có công năng khác nhau phải được ngăn cách với nhau bằng các bộ phận ngăn cháy phù hợp theo quy định…

Đặc biệt, các tập thể, đơn vị cần xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất. Khi cháy xảy ra phải bình tĩnh xử lý, hô hoán báo động cho tất cả mọi người biết, mau chóng tìm lối thoát nạn an toàn và ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khi phải thoát nạn qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che kín mũi, miệng, cơ thể; cúi thấp người tránh ngạt khói, tuyệt đối không núp trong phòng vệ sinh, góc khuất, đường cụt...; đồng thời gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn theo số máy 114.