Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Kon Tum đã hứng chịu tổng cộng đến 100 trận động đất từ đầu năm 2023

Chỉ từ đầu tháng 3/2023 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu tổng cộng đến 36 trận động đất, trong đó có những ngày xảy ra 4-5 trận như ngày 8/3, ngày 13/3... Đây đều là những trận động đất có độ lớn từ trung bình đến nhỏ. Như vậy tính từ đầu năm 2023 đến nay, Kon Tum đã hứng chịu gần 100 trận động đất có độ lớn vừa và nhỏ.

Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, lúc 21 giờ 00 phút 58 giây (giờ GMT) ngày 21 tháng 3 năm 2023 tức 04 giờ 00 phút 58 giây (giờ Hà Nội) ngày 22 tháng 3 năm 2023 một trận động đất có độ lớn 3.4 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.852 độ vĩ Bắc, 108.266 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Như vậy chỉ từ đầu tháng 3/2023 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu tổng cộng đến 36 trận động đất, trong đó có những ngày xảy ra 4-5 trận như ngày 8/3,  ngày 13/3... Đây đều là những trận động đất có độ lớn từ trung bình đến nhỏ. Trận động đất sáng 21/3 mạnh 3.4 độ là một trong những trận động đất mạnh nhất ở chu kỳ động đất tháng này ở khu vực Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Như vậy tính từ đầu năm 2023 đến nay, Kon Tum đã hứng chịu gần 100 trận động đất có độ lớn vừa và nhỏ.

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ giữa năm 2021, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông và các huyện lân cận của tỉnh Kon Tum, trong đó nhiều trận động đất gây rung chấn diện rộng, lớn nhất là trận động đất xảy ra chiều 23/8/2022 có độ lớn 4,7 độ Richter. Từ một khu vực có nền địa chất ổn định, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông và các huyện lân cận của tỉnh Kon Tum.

Động đất xảy ra ở Kon Plông, Kon Tum được các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu nhận định là động đất kích thích, xảy ra do hoạt động của hồ chứa thủy điện tích nước, gây áp lực với hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.

Các chuyên gia nhận định, động đất tại khu vực này có thể tiếp diễn trong thời gian tới, liên quan chặt chẽ đến chu trình tích nước hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, động đất cực đại ở khu vực này ít khả năng vượt quá độ lớn 5.0.

Bản đồ chấn tâm động đất. Ảnh: Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần.

Bản đồ chấn tâm động đất. Ảnh: Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần.

Hiện tỉnh có 8 trạm quan trắc động đất được lắp đặt tại các khu vực của Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện Đắk Đrinh (huyện Kon Plông). Trong đó có 5 trạm được chủ đầu tư hai thủy điện nói trên lắp đặt theo đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum, 3 trạm còn lại do Viện Vật lý địa cầu thực hiện. Các trạm này đang vận hành bình thường.

Trạm quan trắc này giúp chính quyền địa phương nằm trên trục đứt gãy Đông - Tây kéo dài từ Kon Tum xuống Quảng Nam, Quảng Ngãi ghi nhận, dự báo sớm các trận động đất. Qua đó, lên phương án di dời dân cư, xử lý sớm đối với các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề do động đất.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang có những diễn biến phức tạp như mưa lũ, sạt lở đất và tình trạng dư chấn động đất liên tiếp xảy ra tại địa bàn huyện Kon Plông.

Các trận động đất chưa gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng nhưng cũng đã gây hoang mang dư luận, gây tâm lý lo lắng đối với người dân. Việc chủ động ứng phó đã giúp người dân có những hiểu biết về thiên tai, động đất. Qua đó giúp cho người dân chuẩn bị về tâm lý, kỹ năng nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản.