Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Ký ức xuyên không”: Khắc họa tư duy sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Lê Thanh Bình

Triển lãm mỹ thuật “Ký ức xuyên không” của họa sĩ Lê Thanh Bình đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 18/10 đến 24/10. Trải qua quá trình lao động nghiêm túc và tài năng của chính tác giả, các phẩm sơn dầu khổ lớn trưng bày tại triển lãm lần này có thể thấy rõ từ ý tưởng, bố cục, hình học, kỹ thuật sơn dầu đến hình tượng, ánh sáng, màu sắc… đã được họa sĩ Lê Thanh Bình diễn đạt một cách chuyên nghiệp.

Họa sĩ Lê Thanh Bình, sinh năm 1979 là họa sĩ tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật Trường Đại học sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Trong nhiều năm qua, anh đã lặng lẽ duy trì tình yêu hội họa và chỉ thời gian gần đây anh mới giành toàn bộ thời gian cho sáng tác chuyên nghiệp. Tư duy sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ lê Thanh Bình được thể hiện trong thời gian 4 năm từ 2018 – 2022 anh đã kịp tham gia 9 cuộc triển lãm chuyên đề hội họa, 7 trong số đó được tổ chwucs tại Trung Quốc, Đài Loan, Ý, Tây Ban Nha, Bangladesh và 2 Triển lãm tại Việt Nam.

Với 21 tác phẩm qua chất liệu chủ đạo là sơn dầu trên vải lanh, mỗi tác phẩm đều chứa đựng những tìm tói, sáng tạo độc đáo, mới lạ nhằm chuyển tải đến cho người xem về những ý nghĩa, những câu chuyện khác nhau được tác giả đúc kết từ cuộc sống hiện thực, qua tư duy sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Lê Thanh Bình.

72f1129e8d6e4a30137f

Chia sẻ về bức tranh mang tên “Giai điệu ký ức” sẽ được góp mặt tại Triển lãm, họa sĩ Lê Thanh Bình cho biết, ký ức là những hình ảnh về quá khứ. Có khi nó mơ hồ như ảo ảnh, có khi lại hiện lên rõ nét trong cảm nhận của mỗi người. Có kí ức đẹp đẽ đầy tiếng cười, lại có những ký ức chựa đựng nhiều buồn đau. Chừng đó thôi cũng đủ để ta vừa muốn kiếm tìm kí ức vừa muốn quên đi chúng. Ký ức vẫn luôn hiện diện và đan xen với thực tại, bởi nó là sợi dây gắn kết ta lại với phiên bản khác của chính mình. Một hình ảnh, một thanh âm, một vệt màu cũng đủ để mang ký ức quay trở lại. Để rồi khi mở cánh cửa ký ức để làn sương mong manh đó tràn vào thế giới thực và cũng sẽ tạo nên một thế giưới siêu thực mang tên “Giai điệu ký ức”.

Hay như chia sẻ của tác giả về bức tranh sơn dầu trên vải lanh với tên gọi “Miền ánh sáng”, họa sĩ Lê Thanh Bình chia sẻ, nếu bạn lạc lối trong đêm tối, một chú đom đóm bay lên cũng trở thành một vệt sáng dẫn đường. Nếu bạn đang mắc kẹt trong một cánh rừng sâu thẳm, ánh sáng lóe lên ở cuối con đường cũng là lời chỉ dẫn. Trong đêm tối hay tuyệt vọng, trong tận cùng nỗi đau hay lạc lối - Miền ánh sáng luôn là điều tươi mới nhất. Nó là thứ mang đến hy vọng, là ánh sáng mặt trời làm tan chảy lớp tuyết dày phủ trên những cánh đồng hoa mùa đông, là ngọn lửa trong đêm đông sưởi ấm trái tim. Miền ánh sáng là hi vọng tươi mới về cuộc sống đầy ắp những điều tốt đẹp này.

Mỗi bức tranh là mỗi tư duy, sáng tạo trong nghệ thuật của Lê Thanh Bình, điều đó đã làm nên sự độc đáo của riêng tác giả. Bởi tư duy, sáng tạo của họa sĩ trước hết đến từ bố cục tranh như màu sắc, đường nét, hình khối. Nhưng nếu như thử bỏ qua sự quan tâm đến bố cục thì người xem sẽ vẫn bắt gặp một hiện thực đầy sinh động và chân thực. Điều này cho thấy khả năng tái hiện và tái tạo kí ức của hoạ sĩ.

ce3a473dd8cd1f9346dc

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Vũ Huy Thông chia sẻ, sẽ không khó để nói hội họa của lê Thanh Bình là siêu thực. Tuy nhiên, nó không giống siêu thực cổ điển với các nguyên tắc đảo lộn phối cảnh không gian hay sự kết hợp các hình thù kỳ dị của giấc mơ hay tiềm thức dẫn lối, nó giản dị hơn thế, nó là nhu cầu muốn đưa ký ức lên mặt tranh. Ký ức là một phạm trù thời gian không đông cứng như hóa thạch, nó gắn liền với không gian ba chiều trở thành không- thời gian có thể biểu diễn bằng nghệ thuật hội họa và sáng tác của Lê Thanh Bình đã mang phong cách siêu thực như thế.

Có thể nói, không gian hội họa của Lê Thanh Bình được cảm nhận qua sự hiện diện vô hình của thời gian qua sự tương phản của chân trời xa hút và các hình thể lơ lửng cận ảnh. Dấu ấn của thời gian qua các bức tranh của họa sĩ Lê Thanh Bình còn hiện diện ở thế giới đồ vật đã trở thành xưa cũ như: thúng, mẹt, cơi trầu, đèn dầu, chiếu hoa, cổng làng, chó đá – những đồ vật đã có tính biểu trưng cho đời sống, văn hóa truyền thống của người Việt Nam trong đời sống hiện đại. Ngoài ký ức chung, ký ức tập thể đó tranh của họa sĩ Lê Thanh Bình còn chứa đựng những câu chuyện riêng, khiêm nhường nhưng nhiều khát vọng như cá tính nghiêm túc, tình cảm, kín đáo của chính tác giả.