Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lai Châu: Trên 2.344 tỷ đồng triển khai công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

(Dân sinh) - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình an sinh xã hội giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lai Châu đã được bố trí trên 2.344 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương đóng vai trò chủ đạo (chiếm 88,3%).

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ giảm nghèo tỉnh Lai Châu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình 5,07%/năm trong giai đoạn 2016-2019, từ 40,4% đầu năm 2016 xuống còn 20,12% cuối năm 2019. Ước thực hiện giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,78%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là từ 3-4%/năm). Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 18,2 triệu đồng năm 2015 lên 36,9 triệu đồng năm 2019. Trong gia đoạn 2016-2019, toàn tỉnh có 2 huyện ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và có 19/66 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Lai Châu: Trên 2.344 tỷ đồng triển khai công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020  - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở huyện Tân Uyên thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ cây chè.

Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu còn 20.174 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 20,12%; còn 10.097 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,07%, Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất của cả nước. Để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả và mang tính bền vững, tỉnh Lai Châu đề xuất triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là tăng cường công tác chỉ đạo điều hành. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của giai đoạn 2016-2020, để đề ra giải pháp quản lý, điều hành giai đoạn 2021-2025 sát với tình hình thực tiễn.

Tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp trong quản lý, điều hành xây dựng các công trình, dự án. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức về quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cán bộ dân tộc thiểu số các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, thôn, bản, những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bằng nhiều hình thức và nhiều thứ tiếng để phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc.

Tập trung hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế; giảm dần các chính sách cho khộng, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (chỉ thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất an sinh xã hội); tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ tín dụng cho người nghèo; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình, tạo điều kiện làm đầu tàu thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Có chính sách hỗ trợ học sinh ở các xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong việc sử dụng các nguồn lực được giao.

Rà soát, gộp các chính sách có cùng nội dung hỗ trợ để tăng hiệu quả nguồn lực, thống nhất cơ chế thực hiện chung. Giảm đầu mối cơ quan quản lý các chính sách ở Trung ương, chỉ nên giao một cơ quan quản lý Chương trình để thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, thống nhất cơ chế quản lý.

Tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung vào hệ thống giao thông nông thôn, đường nội đồng, thủy lợi, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển hệ thống trường học, trạm y tế, bưu chính viễn thông... Thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; thực hiện đào tạo gắn Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, nhu cầu của các doanh nghiệp, xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết.