Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Làm thế nào để biết bạn đã mắc Covid-19 hay chỉ bị cảm cúm thông thường?

Bất kể khi nào bị ốm với các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, bạn cũng nên nghỉ ngơi ở nhà.

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang lây lan trên khắp thế giới và xuất hiện cả ở Việt Nam, những người hiện đang mắc các triệu chứng giống cúm hẳn cũng sẽ lo lắng: Liệu mình có đang nhiễm virus SARS-CoV-2 không? Hay đó chỉ là một cơn cảm cúm thông thường?

Bài viết này sẽ là một hướng dẫn tham khảo dành cho bạn.

COVID-19 có những triệu chứng gì?

Những người bệnh mắc Covid-19 thường có 3 triệu chứng chính: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này khởi phát sau khoảng trung bình 5,1 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc và bị lây nhiễm bởi virus. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có thời gian ủ bệnh ngắn hoặc dài hơn, có thể dao động trong khoảng 2 đến hơn 14 ngày. Một số nghiên cứu cho thấy các trường hợp cá biệt có thể ủ bệnh lên tới 29 ngày, tuy nhiên, con số này rất rất ít. Tới 97,5 % bệnh nhân sẽ phát bệnh trong vòng 11,5 ngày.

Ngoài sốt, ho, khó thở là các triệu chứng thường gặp, người nhiễm Covid-19 có thể chia sẻ một số triệu chứng khác với cúm và cảm lạnh thông thường như sau:

Làm thế nào để biết bạn đã mắc Covid-19 hay chỉ bị cảm cúm thông thường? - Ảnh 1.

Khi nào bạn cần xét nghiệm và chăm sóc y tế?

Ngoài các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19, bạn bắt buộc phải tìm sự trợ giúp y tế một khi cảm thấy khó thở nặng hoặc đau ngực. Bạn cũng sẽ cần đi khám nếu thấy triệu chứng ho nặng hơn. Chắc chắn, ngay cả khi bạn không nhiễm Covid-19 đi chăng nữa, ho nặng vẫn là một biểu hiện cho thấy bạn cần đi viện.

Hiện tại, xét nghiệm là phương pháp duy nhất giúp bạn biết chính xác mình có đang nhiễm Covid-9 hay không. Các triệu chứng lâm sàng là chưa đủ để kết luận về tình trạng bệnh của bạn.

Nếu bạn đã đi du lịch đến một quốc gia có nguy cơ cao trong vài tuần qua, hoặc đã tiếp xúc gần gũi với ai đó được xác nhận dương tính với Covid-19, bạn nên gọi đường dân nóng, khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly và xét nghiệm phù hợp.

Trong khoảng thời gian chờ được cách ly và xét nghiệm tại cơ sở y tế, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người khác trong gia đình. 

Bạn không nên tự mình đi đến một bệnh viện hoặc phòng khám mà không báo trước đặc điểm dịch tễ của bạn.

Vì nếu làm điều đó, bạn có nguy cơ lây nhiễm cho tất cả những y bác sĩ, nhân viên bệnh viện tiếp xúc với bạn mà không được chuẩn bị trước. Bạn cũng có thể phơi nhiễm mầm bệnh cho những người ngồi ở phòng chờ với mình, trong số đó có thể có những đối tượng rất dễ tổn thương và mắc bệnh nặng sau khi nhiễm Covid-19.