Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử?

Hiện nay, nhiều học sinh không mấy mặn mà với môn Lịch sử vì kiến thức Lịch sử khô khan hay vì cách dạy Lịch sử trong các trường học phổ thông quá nhàm chán, không hấp dẫn?

Lịch sử là môn học bắt buộc

Sau rất nhiều tranh luận về việc nên hay không nên bắt buộc học sinh THPT phải học Lịch sử thì ngày 3/8, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông, theo đó môn Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc.

Đối với cấp THPT, Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn lịch sử gồm 35 tiết/năm (theo Thông tư 32/2018).

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này khá hợp lý, 52 tiết là phù hợp với tất cả học sinh đại trà. Còn em nào định hướng theo học ngành Xã hội nhân văn thì ngoài 52 tiết đại trà sẽ cộng thêm 35 tiết chuyên đề để nghiên cứu sâu hơn.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến lo ngại, với quy định Lịch sử là môn học bắt buộc, những học sinh không chọn điểm thi Lịch sử để xét tuyển đại học có thể sẽ không hào hứng với môn học này, dẫn tới tình trạng học đối phó.

Làm thế nào để học sinh hứng thú với môn Lịch sử luôn là một vấn đề được nhiều người cùng quan tâm.

Học sinh THPT học Lịch sử trên lớp. Ảnh: TL

Học sinh THPT học Lịch sử trên lớp. Ảnh: TL

Giáo viên cần làm gì để học sinh hứng thú học Sử?

TS. Lịch sử Vũ Đường Luân, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Thực ra, học sinh và giới trẻ Việt Nam chưa bao giờ chán lịch sử hay không yêu thích lịch sử. Để học sinh hứng thú học môn Lịch sử, giáo viên nên dạy lịch sử như câu chuyện cuộc đời, gần gũi, gắn bó với đời sống mỗi con người.

Ngoài ra, cũng nên dạy lịch sử với tư cách một môn khoa học, nghĩa là giúp học sinh tìm hiểu lịch sử như một quá trình khám phá với những nghi ngờ, phản biện nhằm hướng tới chân lý... Nói một cách dễ hiểu, là tạo ra cảm giác giúp học sinh hiểu lịch sử giống như việc đóng vai là thám tử Sherlock Holmes đi khám phá những bí mật bị che lấp trong quá khứ thông qua việc khai thác tài liệu, thông tin... Những thông tin từ sách giáo khoa chỉ là một phần câu chuyện lịch sử, còn sự thật lịch sử rộng lớn hơn rất nhiều, con người muốn tiến đến sự thật ấy phải tìm kiếm, khám phá...

TS. Vũ Đường Luân đặc biệt lưu ý: “Chúng ta nên tư duy mục đích dạy Lịch sử hướng đến giáo dục các giá trị đạo đức, lẽ sống của nhân loại hơn là quan điểm đề cao lòng yêu nước. Dạy Lịch sử cần gắn với trải nghiệm thực tế, những câu chuyện cụ thể, có như thế mới có thể hấp dẫn các em học sinh”.

Nếu người giáo viên giảng dạy về Lịch sử chỉ nhìn vào sách giáo khoa đọc và bắt học sinh chép bài thì việc các em ngủ gật hay làm việc riêng trong lớp học cũng là điều dễ hiểu. Chỉ khi giáo viên dạy Lịch sử bằng tất cả nhiệt huyết, sự say mê, sáng tạo, với các giáo cụ trực quan phong phú như thông qua sách ảnh, video tài liệu, những chuyến đi thực tế… thì môn Lịch sử mới có thể trở nên sinh động và hấp dẫn. Từ đó, các em học sinh sẽ yêu thích bộ môn Lịch sử một cách tự nhiên.

Ngoài ra, học thế nào để có thể ghi nhớ được các sự kiện lịch sử một cách nhanh nhất và lâu nhất cũng là một thách thức lớn đối với các em học sinh. Do đó, giáo viên cần dạy cho học sinh phương pháp học. Để ghi nhớ các sự kiện, học sinh có thể vẽ sơ đồ, học bằng bản đồ, hoặc thông qua các trò chơi như: tìm hiểu lịch sử, giải ô chữ, đố vui liên quan đến các nhân vật lịch sử, thuyết trình giới thiệu các di tích lịch sử...

Mặt khác, để học sinh hứng thú học tập, các thầy cô cần tạo bầu không khí thật sự vui vẻ, thỏa mái. Học tập quá nghiêm túc và căng thẳng có thể khiến cho các em cảm thấy bị áp lực, khó tiếp thu.

Nuôi dưỡng tình yêu với lịch sử trong con

Bên cạnh vai trò của giáo viên và nhà trường thì cha mẹ cũng là một trong những nhân tố quan trọng giúp trẻ cảm thấy hào hứng hơn đối với môn Lịch sử.

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, để trẻ đam mê tìm hiểu lịch sử, cha mẹ nên mua nhiều sách sử khác nhau để trong tủ sách của gia đình. Đó có thể là sách về lịch sử văn minh nhân loại, lịch sử chiến tranh thế giới, lịch sử dân tộc, lịch sử nghệ thuật… Đọc sách sử từ nhỏ sẽ giúp trẻ hiểu hơn về lịch sử nước nhà cũng như lịch sử thế giới; từ đó, kích thích trẻ khám phá nhiều hơn về bộ môn khoa học thú vị này.

Ngoài sách vở, cha mẹ cũng có thể giới thiệu cho trẻ các chương trình, gameshow về lịch sử văn hóa, di sản, khảo cổ học hay các bộ phim lịch sử/ dã sử được chiếu trên TV và YouTube.

 
Học sinh tìm hiểu lịch sử thông qua những chuyến tham quan bảo tàng hay di tích lịch sử. Ảnh: TL

Học sinh tìm hiểu lịch sử thông qua những chuyến tham quan bảo tàng hay di tích lịch sử. Ảnh: TL

Nhưng cách hay nhất để giúp trẻ yêu thích và biết trân trọng lịch sử dân tộc cũng như nhân loại chính là cho trẻ đi thực tế để tìm hiểu và khám phá các di tích lịch sử. Gần thì bạn có thể cho con đi thăm các bảo tàng lịch sử, bảo tàng dân tộc học, các di tích lịch sử ngay trong thành phố. Xa hơn thì đi thăm các di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước và nhân loại. Tại đây, trẻ sẽ được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu một cách đầy đủ nhất các sự kiện lịch sử, những tên tuổi đã gắn bó với địa danh này.

Và thỉnh thoảng, bạn có thể cùng con chơi giải ô chữ, đố vui liên quan đến các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử. Đây cũng là một cách để trẻ cảm thấy việc học Lịch sử không hề khô khan hay nhàm chán.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là bản thân mỗi học sinh cần có ý thức trong việc học tập và nghiên cứu lịch sử. Các em cần xác định rõ, vì sao mình phải học môn Lịch sử, vì sao Lịch sử lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là môn học bắt buộc. Học Lịch sử không chỉ để các em biết về cội nguồn, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, mà còn để học cách trân trọng quá khứ và lớp người đi trước, biết cách giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc cũng như học các giá trị đạo đức, lẽ sống của nhân loại.