Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lần đầu tiên, bệnh viện Nhi đồng cứu thành công bé 7 tháng tuổi mắc hội chứng "hiểm" gây đột tử

Theo bác sĩ, cứ 1.000 trẻ sinh ra sẽ có 1 trẻ bị hội chứng này. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhi có thể dẫn đến đột tử.

Ngày 4/12, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa điều trị thành công cho một trường hợp bé trai mới 7 tháng tuổi nhưng bị rối loạn nhịp tim rất nặng.

Bệnh nhi L.M.K. (7 tháng tuổi, cân nặng 7 kg, quê ở Bình Dương) nhập viện trong tình trạng nhịp tim rất nhanh và thường xuyên mệt trong ngày. Điều đặc biệt, trên siêu âm trẻ còn mắc thêm tật Ebstein, một loại tim bẩm sinh gây tím nặng.

Lần đầu tiên tại miền Nam, bệnh viện Nhi đồng cứu thành công bé 7 tháng tuổi mắc hội chứng "hiểm" gây đột tử - Ảnh 1.

Các bác sĩ thông tin về trường hợp của bé K.

Sau khi tiến hành đo thêm điện tim, các bác sĩ khoa tim mạch chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White, một dạng loạn nhịp có thể dẫn đến đột tử nếu không điều trị kịp thời. 

Trẻ được nhanh chóng chỉ định điều trị hai thuốc chống loạn nhịp nhưng không thể khống chế cơn nhịp nhanh.

Tình trạng bé trở nên không ổn định, bú kém và tím nhiều hơn trong thời gian nằm viện. Chứng loạn nhịp làm cho các bác sĩ không thể chỉ định phẫu thuật cho trẻ vì lo ngại trẻ sẽ nặng trong giai đoạn hậu phẫu.

Trước trường hợp khó và hiếm gặp này, trẻ được hội chẩn khoa và bệnh viện để có hướng điều trị thích hợp. Các bác sĩ quyết định thực hiện chỉ định thăm dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần.

Bác sĩ Nguyễn Trí Hào, quyền Trưởng khoa Tim mạch chia sẻ, theo y văn các trường hợp can thiệp đều thực hiện trên trẻ lớn hơn 5 tuổi và cân nặng hơn 15 kg. Những trẻ nhỏ ký, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi là cả một thách thức khó cho nhóm tim mạch.

Lần đầu tiên tại miền Nam, bệnh viện Nhi đồng cứu thành công bé 7 tháng tuổi mắc hội chứng "hiểm" gây đột tử - Ảnh 2.

Bé mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White, một dạng loạn nhịp có thể dẫn đến đột tử.

Trước tình hình đó, ekip điều trị quyết định chuẩn bị dụng cụ nhỏ dành riêng cho trường hợp này và dùng kỹ thuật đốt với đường vào tối thiểu nhằm tránh tổn thương mạch máu.

Trong lúc thực hiện, các bác sĩ phải đối diện với rất nhiều khó khăn như việc trẻ lên cơn nhịp nhanh liên tục, tím tái nặng và nguy cơ thủng tim do thành tim quá mỏng.

Cuối cùng sau 2 giờ thực hiện, các bác sĩ đã kiểm soát được cơn nhịp nhanh và trẻ hồi phục an toàn. Thời gian hậu phẫu trẻ được theo dõi sát và đo điện tim trong 24 giờ nhằm kiểm tra xem trẻ có tái phát hay không.

Lần đầu tiên tại miền Nam, bệnh viện Nhi đồng cứu thành công bé 7 tháng tuổi mắc hội chứng "hiểm" gây đột tử - Ảnh 3.

Sau can thiệp sức khoẻ bé đã ổn định.

"Đây cũng là ca nhỏ ký nhất kèm tim bẩm sinh nặng từ trước đến nay được can thiệp tại BV Nhi đồng 1 và khu vực phía Nam. Hiện nay BV Nhi đồng 1 là đơn vị đầu tiên khu vực phía Nam triển khai can thiệp loạn nhịp tim cho đối tượng trẻ em" - đại diện BV cho biết.

Bác sĩ Bùi Gio An, khoa Tim mạch chia sẻ thêm, thống kê về tỉ lệ thì cứ 1.000 trẻ sinh ra sẽ có 1 trẻ mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White. 

Lần đầu tiên tại miền Nam, bệnh viện Nhi đồng cứu thành công bé 7 tháng tuổi mắc hội chứng "hiểm" gây đột tử - Ảnh 4.

Các bác sĩ cho biết đây cũng là ca nhỏ ký nhất kèm tim bẩm sinh nặng từ trước đến nay được can thiệp tại BV Nhi đồng 1.

Với việc áo dụng kỹ thuật thông tim mới từ tháng 6/2019, trẻ mắc rối loạn nhịp tim đã được điều trị thành công tại BV Nhi đồng 1 khi các phương pháp điều trị thuốc đã thất bại.

Tính đến tháng 12/2019, đã có 40 trẻ được chẩn đoán và can thiệp hiệu quả nhờ phương pháp mới này.

Đây cũng là hi vọng cho nhiều trẻ bị rối loạn nhịp tim có thể điều trị dứt điểm thay vì phải uống thuốc đến lớn.