Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Làng nghề lưu giữ giống hoàng mai quý hiếm của Thừa Thiên Huế

Ngoài trồng, chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm hoá học, người trồng mai cảnh ở làng Thế Chi Tây còn lựa chọn hạt giống cực kỳ kỹ lưỡng để bảo đảm cây thuần chủng, không bị lai tạp. Nhờ đó, hoàng mai Thế Chi Tây đã trở thành một loại quý hiếm và là cây chủ lực sẵn sàng tham gia trình diễn, quảng bá tại Lễ hội Hoàng mai Huế lần I diễn ra từ ngày 9 đến ngày 19/1/2023, tại công viên Thương Bạc, TP Huế.

Thầy giáo Đặng Văn Phách, một người có nhiều năm về trồng, chăm sóc hoàng mai ở Thế Chi Tây

Thầy giáo Đặng Văn Phách, một người có nhiều năm về trồng, chăm sóc hoàng mai ở Thế Chi Tây

Thế Chi Tây (xã Điền Hoà, huyện Phong Điền) là ngôi làng nổi tiếng với nghề trồng mai cảnh đã có từ hàng mấy trăm năm nay và đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống. Người Thế Chi Tây từ thế hệ này qua thế hệ khác truyền cho nhau nghề trồng mai cảnh. 

Anh Nguyễn Nhật Tường năm nay mới 30 tuổi nhưng đã là một người trồng mai cảnh có tiếng ở Thế Chi Tây. Anh là thành viên lâu năm của CLB mai cảnh Điền Hoà, tiền thân của Hội Hoàng mai Huế mới được thành lập hồi tháng 7/2022. Anh Tường chia sẻ, do được sinh ra trong gia đình có truyền thống trồng mai cảnh nên từ nhỏ anh đã có đam mê nghề, khi mới 8 tuổi đã biết phụ giúp cha mẹ chăm sóc cây. Vườn cây của anh Tường hiện có gần 100 gốc mai to, 5.000 cây mai giống. Mai cảnh do gia đình anh trồng, chăm sóc đã được cung cấp đi nhiều nơi, trong đó có nhiều “lão mai” ở trong khuôn viên vườn, sân nhà của các gia đình sành chơi tại TP Huế.

Theo người trồng mai ở làng nghề Điền Hoà, đây là nơi lưu giữ hồn cốt của xứ hoàng mai Huế. Rất nhiều loại mai đặc trưng được trồng, chăm sóc ở làng này như Hoàng Trúc Mai, Hoàng Diệp Mai, Diệp Cúc Mai,…trong đó Hoàng Trúc Mai là giống hiếm nhất. Vốn rất thích hợp với vùng đất cát pha thịt, nên mai vàng Thế Chí Tây màu vàng tươi, bông to, hương thơm dịu dàng và rất lâu tàn, luôn cho hoa đều đặn vào dịp Tết đến, xuân về. Nét đặc trưng của hoàng mai Điền Hoà là ở chỗ người dân thường tạo các thế long vân hoặc long giáng... Bên cạnh đó, để có một chậu mai cảnh đẹp, ngoài công chăm sóc hàng chục năm trời, người chơi mai còn phải chú ý đến bốn điểm: nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống.

Anh Nguyễn Nhật Tường bên khu vườn ươm hoàng mai giống của mình

Anh Nguyễn Nhật Tường bên khu vườn ươm hoàng mai giống của mình

Thầy giáo về hưu Đặng Văn Phách (62 tuổi, ở thôn 3, xã Điền Hoà) là người chơi mai từ rất lâu. Hiện thầy có một “lão mai” thế “song long chầu nguyệt” hơn 40 tuổi, thuộc diện “cao niên” của làng và đã có người trả đến 700 triệu đồng. Thầy Phách cho biết, người trồng mai cảnh ở Điền Hoà rất kĩ lưỡng trong khâu chọn hạt giống, trồng, chăm sóc cây. Người dân nơi đây cũng nhất định không đi mua giống mai, mai trưởng thành từ các xã khác, vùng khác về trồng, chăm sóc. Thậm chí, người ở ngoài xã gửi mai chăm sóc, người Thế Chí Tây cũng không nhận. Người sành chơi chỉ cần nhìn qua một cái là có thể nhận ra đó có phải là mai Điền Hoà hay không.

Trong khâu chăm sóc mai cảnh, người dân Điền Hoà hoàn toàn làm bằng thủ công, sử dụng các loại phân bón hữu cơ hoàn toàn, tuyệt đối không sử dụng phân hoá học, chất kích thích, thuốc trừ sâu hoá học. “Nếu sử dụng chất hoá học, cây phát triển nhanh nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cây. Trong khi mai cảnh phải trồng, chăm sóc mất rất nhiều năm mới có dáng đẹp, ra hoa đều và mình cũng chơi trong nhiều năm”, thầy Phách phân tích. 

Không chỉ trồng để chơi, người Điền Hoà đã biến mai cảnh thành một sản phẩm có giá trị thương mại cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ngày nay mai cảnh đã trở thành cây chủ lực, giúp người dân Điền Hoà có cuộc sống sung túc hơn. Ông Phan Nhật Thanh (50 tuổi, ở thôn 4, xã Điền Hoà) cho biết, mỗi năm vào dịp Tết nguyên đán, ông bán từ 5 - 8 cây mai cảnh, với giá từ vài triệu đến vài chục triệu một cây, tuỳ độ tuổi và thế cây. Hiện ông có hơn 40 cây mai cảnh với độ tuổi từ 6 - 40 năm, trong đó, có 20 gốc to với giá hơn 2 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hoà, hiện nay, có khoảng hơn 1.000/1.300 hộ dân ở 11/11 thôn của xã  tham gia trồng mai, với khoảng trên 100.000 cây. Cây có độ tuổi từ 3 năm tuổi đến trên 40 năm tuổi. Xã Điền Hoà cũng đã quy hoạch, chuyển đổi hơn 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mai cảnh; đồng thời đầu tư vốn làm hạ tầng để người dân trồng mai. Ngoài ra, có 25 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Điền Hoà cũng đã được hỗ trợ vốn, dạy nghề trồng mai để phát triển sinh kế. Đến nay, sau thời gian trồng, chăm sóc, nhiều hộ đã bán được mai cảnh, từ 4 - 20 triệu đồng/cây, từ đó có vốn để tái đầu tư, thoát cảnh đói nghèo.

Cũng theo ông Quang, hiện Điền Hoà được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao chỉ tiêu mỗi năm phát triển, cung cấp 20.000 cây mai giống cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, thống kê sơ bộ, toàn xã Điền Hoà đã cung cấp ra thị trường hơn 50.000 cây mai giống 1 năm tuổi, với mức giá từ 15 - 20 nghìn đồng/cây.

Empty
Vườn hoàng mai với thế đặc trưng mai Thế Chi Tây của gia đình ông Phan Nhật Thanh

Vườn hoàng mai với thế đặc trưng mai Thế Chi Tây của gia đình ông Phan Nhật Thanh

Có thể nói, việc trồng mai cảnh, nhất là các giống hoàng mai quý hiếm đã giúp người dân Điền Hoà có cuộc sống ngày càng no đủ hơn. Nhiều người trồng, chơi mai cảnh ở đây đã trở thành nghệ nhân dân gian, giúp lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo mà không phải nơi nào cũng có. Được biết, nhiều người trồng mai ở Thế Chi Tây nói riêng, xã Điền Hoà nói chung đã được mời tham gia trình diễn, quảng bá sản phẩm tại Lễ hội Hoàng mai Huế lần thứ I - 2023.

Được biết, Lễ hội Hoàng mai qui mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại cố đô Huế (diễn ra từ ngày 9 đến ngày 19/1/2023, tại khu vực công viên Thương Bạc, TP Huế). Đây là lễ hội nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Xuân của Festival Huế 2023 nhằm hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam. Lễ hội cũng nhằm tôn vinh, quảng bá và lan tỏa những giá trị về văn hóa, nghệ thuật của người Huế và thương hiệu Hoàng Mai Huế trong dịp Tết đến xuân về.