Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị bắt: Hàng loạt khách hàng điêu đứng

(Dân sinh) - Lần lượt các lãnh đạo của Công ty địa ốc Alibaba bị bắt, hiện nay hàng loạt khách hàng đã đầu tư tiền vào Công ty Alibaba đứng ngồi không yên vì sợ tiền mất tật mang.

Nhiều khách hàng điêu đứng

Sáng ngày 19/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị nghiệp vụ liên quan mới khám xét xong trụ sở chính của Công ty Alibaba trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) và đưa các nghi phạm lên xe.

Liên quan đến vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc Công ty Alibaba về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị bắt: Hàng loạt khách hàng điêu đứng - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh bao vây, khám xét trụ sở Alibaba (đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức).

Sau khi nắm bắt được thông tin, hàng nghìn khách hàng đã đầu tư tiền vào Công ty Alibaba đứng ngồi không yên vì sợ tiền mất tật mang. Cũng theo thông tin từ Công ty Alibaba, công ty này hiện nay đã có hơn 7.000 khách hàng.

Trước đó vài tuần, nhiều khách hàng biết lùm xùm ở các dự án của công ty Alibaba đã nhanh tay đến lấy lại được số tiền đầu tư. Tuy nhiên số khách hàng này chiếm rất ít và không thể lấy hết được số tiền đã đầu tư.

Anh Nguyễn Xuân T., một khách hàng đã đầu tư vào dự án của Công ty Alibaba tại Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, năm 2017, anh và em gái mình có dồn toàn bộ số tiền dành giụm được chung nhau để đầu tư 2 lô đất. Khi mua thì anh T. được nhân viên của Alibaba mời chào, cam kết lô đất sẽ được tách sổ riêng và rất sinh lời.

Tuy nhiên sau khi đã xuống tiền hơn 1 năm nhưng công ty vẫn không ra được sổ nên anh đã quyết định lên công ty lấy lại số tiền. Phải hơn cả chục lần đến đòi tiền, sáng 18/9 anh T. đã lấy được số tiền đầu tư cho 2 lô đất nền này.

Lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị bắt: Hàng loạt khách hàng điêu đứng - Ảnh 2.

Hàng loạt khách hàng đã đầu tư vào các dự án của Công ty Alibaba.

"Rất nhiều khách hàng đang bị công ty này 'lừa dối' nhưng không thể lấy được tiền. Tôi thấy mình là người may mắn mới lấy được số tiền đã lỡ dại đầu tư", anh T. chia sẻ.

Không được may mắn như anh T., chị Bùi Thị M., không giấu được vẻ mặt lo lắng bởi chị cũng là người đã đầu tư cùng thời điểm với anh T. tại dự án của Công ty Alibaba tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Nhưng tới nay, chị vẫn chưa lấy được tiền và số phận khoản đầu tư này chưa biết sẽ đi về đâu.

"Mới đầu vợ chồng tôi dành dụm được một số tiền bàn nhau là sẽ gửi ngân hàng có đồng tiền lãi nuôi các con ăn học. Nhưng được người bạn giới thiệu đầu tư vào dự án của Công ty Alibaba chỉ sau hai tháng là có lời nên tôi đã thuyết phục chồng gom toàn bộ số tiền dành dụm được và vay thêm gia đình nội ngoại 2 bên để đầu tư mua mấy lô đất. Lúc đầu tôi và chồng còn e ngại nhưng khi được các nhân viên của Công ty Alibaba tư vấn chào mời với nhiều hứa hẹn có cánh vợ chồng tôi đã quyết định đầu tư toàn bộ số tiền vào công ty.

Đến nay đã rất nhiều lần tôi liên hệ công ty để lấy lại số tiền đã đầu tư nhưng vẫn chưa được giải quyết. Cũng vì việc này mà thời gian gần đây vợ chồng tôi thường xuyên cãi nhau, người thân đã cho vợ chồng tôi mượn tiền thường xuyên đến nhà hỏi số tiền nợ".

Cùng tâm trạng với chị M., là rất đông khách hàng đang đội mưa đứng trước trụ sở công ty Aibaba. Các khách hàng này đến từ nhiều tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều mà hàng nghìn khách hàng mong muốn giờ đây không phải là những khoản lời lãi hấp dẫn như những lời hứa hẹn bay bổng của Alibaba, mà tất cả họ chỉ muốn lấy lại được số tiền đã bỏ ra.

Các bị hại nên trình báo công an

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh tập trung lực lượng làm rõ hành vi của bị can Nguyễn Thái Lĩnh, mở rộng điều tra các đối tượng liên quan và thu hồi tài sản về cho người dân.

Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị người dân là khách hàng ký hợp đồng mua nền đất, các bị hại bị Công ty Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh (địa chỉ số 674 đường 3/2, phường 14, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) và Công an 24 quận, huyện để cung cấp thông tin, phục vụ công tác điều tra.

Kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập công ty Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.


Lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị bắt: Hàng loạt khách hàng điêu đứng - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục tố tụng với lãnh đạo Công ty Alibaba.

Liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ vào kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với các đối tượng chủ mưu và đồng phạm của Công ty Alibaba.

Theo đó, các đối tượng sẽ bị truy tố và xét xử với tội danh và hình phạt được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành với khung hình phạt tù cao nhất từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Theo luật sư Đức, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng của Công ty Alibaba nên trình báo với Cơ quan Cảnh sát điều tra về tất cả các giao dịch đối với công ty địa này.

Nếu khách hàng nào "may mắn" ký hợp đồng mua được các thửa đất do Công ty Alibaba bán có đầy đủ hồ sơ pháp lý rõ ràng phù hợp với luật định (nếu có) thì mặc nhiên quyền lợi khách hàng sẽ được bảo đảm.

Lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị bắt: Hàng loạt khách hàng điêu đứng - Ảnh 5.

Nguyễn Thái Luyện được lực lượng chức năng dẫn giải lên xe đưa về trụ sở.

Ngược lại, nếu khách ký hợp đồng mua các thửa đất không hồ sơ pháp lý do Công ty Alibaba làm giả để nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản các khách hàng thì các hợp đồng đó coi như bị vô hiệu.

Cũng theo luật sư Đức, theo luật định ngoài trách nhiệm hình sự thì Công ty Alibaba và các cá nhân chủ mưu phải có trách nhiệm bồi thường hoàn trả lại số tiền đã "chiếm đoạt" của khách hàng.

"Tuy nhiên, khả năng các đối tượng khắc phục, bồi thường thiệt hại cho toàn bộ khách hàng là điều rất khó xảy ra. Quyền lợi của khách hàng chỉ được khắc phục một phần nếu các cơ quan tố tụng thu hồi được phần các tài sản do các đối tượng chiếm đoạt.

Trường hợp quá trình điều tra, truy tố và xét xử vẫn không thu hồi được số tiền do các đối tượng chủ mưu nói trên thì khách hàng đã đóng tiền vào Công ty Alibaba sẽ trắng tay", luật sư Đức nêu quan điểm.