Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lãnh đạo Địa ốc Alibaba bị bắt, khách hàng lũ lượt kéo đến công ty đòi tiền

Sau khi hai lãnh đạo chủ chốt của Công ty CP Địa ốc Alibaba bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhiều khách hàng đã kéo đến công ty này đòi tiền.

Khách hàng bất lực

Sáng 19/9, theo ghi nhận của PV VietNamNet, rất đông khách hàng của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) đã kéo đến chi nhánh của công ty trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh để đòi tiền.

Cổng chính của công ty trên đường Phạm Văn Đồng được kéo lại, chỉ chừa một khoảng trống nhỏ cho nhân viên ra vào. Trong khi đó, bãi gửi xe của nhân viên công ty hôm nay cũng thưa vắng hơn so với ngày thường.

Lãnh đạo Địa ốc Alibaba bị bắt, khách hàng lũ lượt kéo đến công ty đòi tiền - Ảnh 1.

Cổng Công ty CP Địa ốc Alibaba phía đường Phạm Văn Đồng được kéo lại.

Trước đó, tối 18/9, nhiều khách hàng cũng đã đến công ty yêu cầu được gặp đại diện có thẩm quyền của công ty để đòi quyền lợi khi hay tin ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Alibaba và em trai là Nguyễn Thái Lĩnh – Tổng Giám đốc Địa ốc Alibaba bị bắt tạm giam.

Có mặt trước trụ sở Địa ốc Alibaba từ sáng sớm, ông B.Đ.T (ngụ Bình Dương) cho biết, đầu tháng 3/2019, ông có ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất 110m2 tại “dự án” Khu đô thị Alibaba Bàu Cạn Riverside với Công ty CP Địa ốc Đầu tư và Phát triển 108. Giá trị hợp đồng gần 289 triệu đồng.

Lãnh đạo Địa ốc Alibaba bị bắt, khách hàng lũ lượt kéo đến công ty đòi tiền - Ảnh 2.

Bãi gửi xe dành cho nhân viên công ty hôm nay thưa vắng hơn so với ngày thường.

Sau khi ký thoả thuận này, ông T. tiếp tục ký tiếp “hợp đồng quyền chọn” với Địa ốc Alibaba. Trong hợp đồng thể hiện Địa ốc Alibaba thuê lại đất của ông T. với giá thuê là 2%/tháng trên tổng số tiền thực đóng thời hạn 12 tháng.

“Mỗi tháng tôi đều được công ty chi trả tiền thuê đất đều đặn, lần gần nhất tôi nhận được 4,5 triệu đồng cho tháng 8. Biết tin công an bắt giam lãnh đạo công ty, tôi không biết số tiền đã đầu tư có đòi lại được không?”, ông T. than vãn.

Đứng trước trụ sở công ty nghe ngóng tình hình, ông H (quê Bình Định) cho hay, được bạn bè giới thiệu nên biết đến Địa ốc Alibaba. Cách đây 3 tháng ông đầu tư 1 tỷ đồng với hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chọn phương án cho công ty thuê lại với lãi suất 38%/năm.

Lãnh đạo Địa ốc Alibaba bị bắt, khách hàng lũ lượt kéo đến công ty đòi tiền - Ảnh 3.

Nhiều khách hàng kéo đến chi nhánh Địa ốc Alibaba đòi tiền.

“Nghe quảng cáo công ty có 2.000 nhân viên, mỗi tháng chi trả mấy chục tỷ đồng tiền lương cho nhân viên nên tôi thấy tin tưởng. Giờ chuyện như thế này không biết khi nào mới lấy lại được tiền”, ông H. nói.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông P.T.T (quê Đồng Tháp) nói đã đầu tư 366 triệu đồng vào một lô đất tại “dự án” Alibaba Long Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) của Địa ốc Alibaba. Nhưng sau đó không được giao đất và chỉ nhận được tiền lãi phạt 1 lần duy nhất 5 triệu đồng.

Theo ông T., ông ký hợp đồng từ tháng 7/2017 nhưng đến nay đất không thấy đâu mà tiền cũng đòi không được. Sau đó, ông làm đơn tố cáo thì công ty mời lên thương lượng, yêu cầu ông ký giấy bãi nại và nhiều giấy tờ khác mới hoàn tiền.

Chiêu thức của Địa ốc Alibaba là gì?

Đại diện cho 2 khách hàng là N.V.Q và L.A.L (cùng ngụ quận Bình Thạnh), luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sau nhiều lần đến trụ sở Địa ốc Alibaba làm việc thì công ty vẫn chưa giải quyết trả tiền cho thân chủ của ông.

Lãnh đạo Địa ốc Alibaba bị bắt, khách hàng lũ lượt kéo đến công ty đòi tiền - Ảnh 4.

Lãnh đạo Địa ốc Alibaba bị bắt, khách hàng lũ lượt kéo đến công ty đòi tiền - Ảnh 5.

Một số khách hàng khác tụ tập bên ngoài công ty nghe ngóng tình hình.

Theo luật sư Cường, Địa ốc Alibaba không có đất mà hợp tác với các cá nhân là chủ sở hữu quyền sử dụng đất thông qua các công ty con hoặc sàn giao dịch, từ đó ký hợp đồng với khách hàng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Sau đó, công ty cam kết mua lại với mức lãi suất hấp dẫn.

Hệ thống công ty của Địa ốc Alibaba biết thực trạng các khu đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch 1/500 hay giao đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, công ty vẫn ký hợp đồng với khách hàng, cam kết bàn giao đất thổ cư trong thời gian 6 – 12 tháng, đồng thời cam kết thu mua lại.

Như vậy, có thể khẳng định các “dự án” của Địa ốc Alibaba không thể hoàn tất các thủ tục để bàn giao nền cũng như Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất như thoả thuận, có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo luật sư Cường, khi đó hợp đồng thoả thuận quyền sử dụng đất công ty ký với khách hàng sẽ vô hiệu.

“Trong trường hợp Địa ốc Alibaba chây ì hoặc không trả tiền thì khách hàng sẽ là bên chịu thiệt thòi. Những ai đã và đang đầu tư tại Địa ốc Alibaba cần trình báo, phối hợp cùng cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ yếu tố pháp lý liên quan giữa các pháp nhân công ty con trong hệ thống của doanh nghiệp này”, luật sư Cường nói.