Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lịch sử và nghệ thuật của những cây cầu

Nhắc về lịch sử và nghệ thuật thì ai cũng ham. Chúng ta đã đọc và tìm hiểu biết bao điều về nguồn cội trên lĩnh vực văn hóa, xã hội và những kỳ công của con người, trong đó có lĩnh vực xây dựng công trình. Hôm nay, chúng ta có thêm bộ sách về “Lịch sử và nghệ thuật của những cây cầu” của Henry Grattan Tyrrell.

“Trình độ thẩm mỹ của mỗi quốc gia hay dân tộc bộc lộ qua cách họ xây dựng công trình, trong đó có kết cấu cầu. Đây cũng là thước đo trình độ văn minh và văn hóa của họ”. Thời nào cũng vậy, nhân loại luôn khát khao chinh phục thiên nhiên, sự trường tồn của những cây cầu là lời khẳng định kiêu hãnh cho tài năng và sức sáng tạo con người.

Anh 1
Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trước khi đọc bản thảo quyển sách, dịp hè năm 2018, tôi có cơ hội đặt chân đến một vài cây cầu lịch sử được đề cập đến trong quyển sách này, trong đó có cây cầu dẫn nước Pont - du – Gard, một di sản thuộc loại tối cổ còn nguyên vẹn của đế chế La Mã, xây dựng trong khoảng 70 năm vắt qua dấu mốc bắt đầu Công nguyên, bắc qua sông Gardon gần thị trấn Vers-Pont-du-Gard ở miền Nam nước Pháp. Một cảm xúc thật kỳ lạ, thật khó tả của một người đã gắn bó suốt cuộc đời với ngành cầu, khi đứng trên cây cầu cổ đại này, tay chạm lên mặt những khối đá lớn xây những cuốn vòm do những người thợ La Mã tạo tác từ hơn 2000 năm trước...

GS. TS Trần Đức Nhiệm - Nguyên Trưởng bộ môn Cầu, Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ

Bộ sách “Lịch sử và nghệ thuật của những cây cầu” gồm 2 tập: “Lịch sử của những cây cầu” và “Nghệ thuật làm cầu”.

Bộ sách bao gồm 1.299 hình minh họa (bao gồm nhiều phụ bản in màu) là thước phim mô tả nỗ lực của người thợ làm cầu từ khởi thủy, La Mã tới Phục Hưng; những mày mò của họ từ vật liệu bằng đá, gỗ, sắt, thép. Rồi cuộc các mạng khoa học kỹ thuật đưa họ chuyển từ kết cấu vòm, treo sang dây văng, mút hẫng. Phần đầu sách, dịch giả tóm lược ngắn gọn lịch sử ngành cầu qua tiểu mục “Câu chuyện nhỏ về những câu cầu” bằng những giai thoại độc đáo và bức tranh thú vị về người làm cầu.

Đặc biệt tác giả có đề cập đến hai cây cầu Long Biên (Le Pont Doumer) và Hàm Rồng (Pont sur le Song - Ma) khiến chúng ta có cảm xúc thật thích thú. Phụ lục cuối sách, dịch giả đã sưu tầm thêm các bài báo trong thư viện Trường Cầu đường Paris để giới thiệu ba số báo trên tờ Le Génie Civil - tập san kỹ thuật xây dựng dân dụng Pháp viết về cầu Long Biên và Hàm Rồng năm 1909 và 1925 với những thông tin chi tiết ít biết.

Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá hành trình phát triển hình thức kết cấu cầu từ khởi thủy tới đầu thế kỷ XX. Cuốn sách giúp ta nhìn lại chặng đường đã qua của người thợ làm cầu, thấy được ý chí không ngừng của con người nỗ lực tìm ra những giải pháp mới, giúp con người vươn xa hơn, bay cao hơn. Những thành tựu ngày nay đạt được đều bắt nguồn từ những thử nghiệm thành công hay thất bại trong suốt ngàn năm qua của loài người.

Tác giả Henry Grattan Tyrrell (1868 – 1948) sinh ra tại Ontario, Canada trong gia đình có truyền thống làm cầu. Những tác phẩm của ông về lịch sử, kỹ thuật và mỹ học công trình có ý nghĩa lâu dài, gìn giữ cho chúng ta thành tự của con người trong lĩnh vực thiết kế và thi công công trình tới đầu thế kỷ XX.

Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình là giảng dạy chuyên ngành Cầu tại trường Đại học Giao thông vận tải. Ông trực tiếp tham gia một số dự án xây dựng cầu vượt Thái Hà - Láng Hạ, Chùa Bộc - Thái Hà, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái.

Anh 3