Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lợi bất cập hại?

(Dân sinh) - Điện mặt trời là một dạng năng lượng tái tạo, hay còn được gọi là "nguồn năng lượng vộ tận", được kỳ vọng có thể thay thế công nghệ nhiệt điện than ô nhiễm môi trường hay thủy điện thường gắn với tình trạng tàn phá môi trường sinh thái.

Thời gian qua, ở rất nhiều nơi trên cả nước đã xuất hiện một "làn sóng" đầu tư điện mặt trời với rất nhiều quy mô khác nhau: Từ những tấm pin mặt trời đặt trên mái nhà dân cho tới những trang trại rộng hàng chục, hàng trăm ha, có giá trị đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.

Lợi bất cập hại? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cùng với đó, hoạt động thương mại - dịch vụ liên quan đến lĩnh vực điện mặt trời cũng "thăng tiến vượt bậc", chỉ trong một thời gian rất ngắn đã xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ cung ứng thiết bị và dịch vụ. Và thông tin từ các doanh nghiệp này cung cấp cho mọi người một góc nhìn "đầy màu hồng" về điện mặt trời, rằng đó không chỉ là nguồn năng lượng có giá thành khá rẻ, mà quan trọng hơn là thứ năng lượng "sạch tuyệt đối"…

Trên truyền thông đại chúng cũng xuất hiện nhiều thông tin khác nhau "một trời một vực" về điện mặt trời. Có những "chuyên gia" mạnh miệng khẳng định điện mặt trời "hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường", và việc xử lý các tấm pin mặt trời chỉ là… "chuyện nhỏ". Nhưng bên cạnh đó, nhiều người khác bày tỏ sự quan ngại về những tác động nghiêm trọng đến môi trường, ở thì tương lai, khi những tấm pin này đến "tuổi nghỉ hưu", mà ý kiến của đại biểu Quốc hội Ksor H’bơ Khắp (đoàn Gia Lai) trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội vừa qua là một điển hình.

Không khó để nhận ra, các ý kiến "ủng hộ tuyệt đối" việc phát triển điện mặt trời một cách ồ ạt là đến từ các nhà đầu tư, các đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ và những người có lợi ích khác. Còn những ý kiến "bày tỏ quan ngại" chủ yếu đến từ một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học và người dân. Một vấn đề khá mới và đã sớm nảy sinh "xung đột lợi ích"!

Ngạn ngữ phương Tây có câu "Không có bữa trưa miễn phí", hàm ý rằng không có một nguồn lợi nào không có mặt trái của nó, mà không phải trả giá. Đồng ý rằng, nguồn năng lượng sản sinh ra điện mặt trời là hoàn toàn "sạch", nhưng việc xử lý tấm pin, một khối lượng cực lớn lại là vấn đề nan giải, chứ không hề là "chuyện nhỏ" như nhiều người đang lầm tưởng. Ngay cả nhiều nước tiên tiến, đã từng phát triển điện mặt trời từ hàng chục năm trước, hiện vẫn chưa thể tìm ra giải pháp để xử lý các tấm pin này, một mặt do chưa tìm ra các giải pháp công nghệ hữu hiệu, mặt khác do giá thành tái chế quá cao.

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế, năm 2017, toàn thế giới thải ra 43.500 tấn tấm pin mặt trời. Ước tính, con số này đạt 8 triệu tấn vào năm 2020 và vào năm 2050 là 78 triệu tấn. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong việc lắp đặt tấm pin mặt trời và cũng là nước thải ra nhiều nhất. Các tấm pin chứa nhiều kim loại nặng gây nguy hiểm như chì, thiếc, crom và cadimi. Một khi những chất độc hại này không được xử lý đúng cách sẽ gây rất nhiều nguy hại cho môi trường.

Đã có không ít ý kiến đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư, để họ phải chịu trách nhiệm xử lý các tấm pin khi trở thành rác thải công nghiệp, có thể là sau 5 - 20 năm nữa. Thiết nghĩ, đó là mối quan tâm xác đáng, cần được các cơ quan hữu trách xem xét một cách nghiêm túc.