Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lời xin lỗi của Công ty nước sạch sông Đà là “muộn màng và không thể chấp nhận được”

(Dân sinh) - Đại biểu Nguyễn Anh Trí (giáo sư y khoa, đoàn TP Hà Nội) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội nhấn mạnh, lời xin lỗi, bồi thường bằng việc “xin được chung cấp nước miễn phí trong tháng xảy ra sự cố” của Công ty nước sạch sông Đà là “muộn màng và không thể chấp nhận được”.

Lời xin lỗi vô nghĩa, cứ xử lý theo luật

Chiều ngày 25/10, trao đổi với báo chí, các đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Nguyễn Anh Trí đều cho rằng, lời xin lỗi của Công ty nước sạch sông Đà là muộn màng, vô nghĩa, không thể chấp nhận được.

Hàng vạn người dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai….bị đảo lộn cuộc sống khi nước sạch sông Đà bị nhiễm Styren có từ dầu thải từ ngày 10/10. Sau nửa tháng, Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới phát đi thông cáo để thông qua các cơ quan báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố "lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ".

Đồng thời, đưa ra cách đền bù là "cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước)".

Lời xin lỗi của Công ty nước sạch sông Đà là “muộn màng và không thể chấp nhận được” - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường sáng 24.10

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nói, "tôi nghĩ lời xin lỗi vô nghĩa, cứ xử lý theo luật. Xử lý đến nơi, đến chốn. Phải có tính răn đe. Nếu chúng ta còn để "nhờn" luật thì còn phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn nữa".

Trước thông tin có người dân đã phải đi khám sức khoẻ, thay bình lọc nước vì nước sạch sông Đà bị nhiễm Styren có từ dầu thải, theo đại biểu Dương Trung Quốc, cần kiện ra toà để xử theo đúng luật.

Từ vụ việc này, vị đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai cho rằng, chúng ta có thêm điều để cảnh tỉnh là đừng nhân danh xã hội hóa.

"Có những dịch vụ công liên quan đến sự an nguy, sức khỏe, tính mạng của người dân, nhà nước không buông xuôi cả. Xã hội hóa là đúng, nhưng có những cái về nguyên tắc không xã hội hóa được", ông Quốc nêu quan điểm.

Đại biểu Dương Trung Quốc nói thêm, chúng ta có thể lên án những người làm sai như Công ty nước sạch Sông Đà, nhưng không thể không nhắc đến trách nhiệm của những cơ quan có liên quan.

Đại biểu Quốc hội: Lời xin lỗi, của Công ty nước sạch sông Đà là “muộn màng và không thể chấp nhận được” - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (giáo sư y khoa, đoàn TP Hà Nội)

Người dân có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (giáo sư y khoa, đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, lời xin lỗi, bồi thường bằng việc "xin được chung cấp nước miễn phí trong tháng xảy ra sự cố" của Công ty nước sạch sông Đà là "muộn màng và không thể chấp nhận được".

"Việc đổ dầu thải này, tuy rất ác nhưng dù sao cũng có cái hay là lộ ra nhiều vấn đề. Nếu không phải dầu mà họ vứt 20 xác thú vật thì chúng ta sao biết được, bởi nước về đến đây đã hết mùi rồi hoặc những chất độc khác. Mà trong chỉ tiêu đánh giá không có sẽ vô cùng nguy hiểm. Do đó, sau sự cố này, tôi cho rằng, vấn đề số 1 vẫn là an ninh nguồn nước", ông Trí đưa quan điểm.

Bên cạnh đó, từ góc độ chuyên gia y khoa, Giáo sư Trí cho rằng, ông có theo dõi và thấy, kết quả xét nghiệm các mẫu nước sạch sông Đà những ngày qua cho chỉ số bình thường, tốt.

"Tất nhiên các chỉ số đó mình cũng tin để dùng, nhưng nói rất thật khi đánh giá các chỉ số thì có những chỉ số mang tính chất chỉ điểm thôi. Cụ thể, trong nước có thể 20-30 loại vi khuẩn, nhưng người ta chỉ dùng 1 chỉ số chỉ điểm như Ecoli. Cho nên, điều quan trọng nhất là nguồn gốc nước vào phải an toàn", GS Trí nói.

Ông Trí chia sẻ thêm, lâu nay bản thân ông vẫn nghĩ, nguồn nước sạch sông Đà được lấy từ khu vực giữa lòng hồ sông Đà, nhưng sau sự cố này mới biết rõ, nguồn nước lại được lấy từ hồ Đồng Bài và xung quanh an ninh, an toàn không có.

"Nhân đây, tôi muốn nói các cơ quan chức năng phải thực hiện tổng kiểm tra công tác an ninh nguồn nước trên toàn quốc", ông Trí nhấn mạnh và cũng cho rằng, tùy thuộc vào thiệt hại, người dân có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường.