Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Luật đất đai (sửa đổi): Cần xác định tầm nhìn đối với quy hoạch sử dụng đất

(Dân sinh) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cơ chế thu hồi đất phải tháo gỡ được điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khoa học, thực chất việc lấy kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Với tinh thần trách nhiệm, các cơ quan liên quan đã kịp thời tổng hợp hơn 11,68 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Chính phủ đã có văn bản đề nghị nhân dân tiếp tục góp ý kiến với cơ quan soạn thảo cho đến thời điểm luật được Quốc hội thông qua, nhằm tiếp thu đầy đủ, chất lượng hơn.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng cho biết, về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xay dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo những vấn đề lớn cần xin ý kiến của Luật đất đai (sửa đổi)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo những vấn đề lớn cần xin ý kiến của Luật đất đai (sửa đổi)

Góp ý về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết cơ chế thu hồi đất trong dự thảo Luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

"Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi" - đại biểu nhấn mạnh và kiến nghị cần phải xác định rõ quy mô sử dụng đất của các dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ. Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên nên để Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát việc thỏa thuận này.

Đại biểu cũng nêu rõ Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất. Song người dân cũng phải có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc Hiến định: đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Cho ý kiến về vấn đề quy hoạch, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần làm rõ cơ sở để xác định tầm nhìn đối với quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch căn cứ trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nhưng tầm nhìn trong sử dụng đất thì còn chưa rõ ràng, dễ dẫn đến chủ quan, không có cơ sở chặt chẽ.

Đại biểu cũng cho rằng tiêu chí xác định nhu cầu sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch cấp tỉnh phải được cụ thể hóa hơn nữa, đặc biệt là về đất trồng trọt, đất chăn nuôi, đất xây dựng cơ sở hạ tầng…

Điều kiện sống của người dân phải tốt hơn sau khi bị thu hồi đất

Liên quan đến nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, dự thảo trước có nêu “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, theo ông Huân là khó định lượng được. Tuy nhiên, nếu thể hiện “có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì hoàn toàn có thể.

“Không nhất thiết “cuộc sống tốt hơn” là phải thu nhập tốt hơn. Có những người sống ở ven sông, kênh rạch, người ta thu nhập tốt nên khi di dời vào đất liền làm vườn, nuôi trồng, thu nhập không bằng nhưng cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn, con cái được đến trường. Cuộc sống tốt hơn không nhất thiết căn cứ vào thu nhập mà còn nhiều chỉ tiêu khác” – ông Nguyễn Quang Huân phân tích.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng đặt vấn đề: “Nói hỗ trợ tái định cư cần có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ thì tốt hơn như thế nào? Tôi đang ở mặt tiền, thu nhập bình quân hàng tháng rất nhiều tiền, sau đó vào khu tái định cư tiền không bằng thì sao nói là có chỗ ở tốt hơn được?

Chính vì vậy, ông cho rằng nơi tái định cư phải bảo đảm hoàn thiện các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trên địa bàn cùng cấp quận, cấp huyện hay cấp tỉnh. Người ta mất đất thì được quyền chọn chỗ ở… Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở.

Báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết qua theo dõi có trên 50% vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập là về tài chính đất và định giá đất. Vấn đề này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu giải quyết được vấn đề này thì các vấn đề khác cũng được giải quyết từ tranh chấp về đất đai, khiếu nại tố cáo…Do đó từ các Luật Đất đai trong suốt thời gian qua từ 1993 đến nay, các cơ quan kiên trì tìm bài toàn giải quyết tài chính đất đai, mục tiêu đặt ra là phù hợp với giá thị trường.  Lần này dự thảo Luật xác định không tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, thu thấp giá đúng. Để làm được điều này người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, có đăng kí với văn phòng với giá đúng. Trên cơ sở thu thập đầu vào đúng từ sàn giao dịch, cơ sở dữ liệu đất đai, người dân đăng kí thực hiện chuyển quyền đăng kí ở văn phòng để có dữ liệu, và có phương pháp tính đúng từ có thông tin trên bản đồ từ đó tính toán và đưa ra giá trị chuẩn.  

Đối với đất đai cho đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, Phó Thủ tướng Chính phủ tán thành với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chú trọng đồng bào ở vùng khó khăn những người sinh kế phụ thuộc vào đất rừng, kể cả người Kinh ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biết khó khăn…để từ đó xác định bao phủ chính sách cho đúng đối tượng. Về đất nông lâm trường, thời gian tới Nhà nước sẽ thu hồi những nông lâm trường làm ăn không hiệu quả để giao trả cho địa phương từ đó có phân bổ cho đồng bào.

Toàn cảnh phiên họp sáng 7/4

Toàn cảnh phiên họp sáng 7/4

Một vấn đề khác được Nhân dân quan tâm là thu hồi đất đai, đền bù đất đai, hỗ trợ tái định cư. Tiếp thu các ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Ban soạn thảo cố gắng để lượng hóa được nội dung người dân bị thu hồi đất gồm cả đất sản xuất, đất ở có điều kiện sống gồm cả điều kiện ở và điều kiện sản xuất, có sinh kế phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đây. Đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…chính là những điều kiện sống tốt hơn. Về chỗ ở có diện tích lớn hơn. Bên cạnh đó, trong luật cũng tính đến những điều kiện về hạ tầng, khoảng cách, có rất nhiều lựa chọn cho người có đất bị thu hồi không bị thiệt thòi.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm là phải tạo các điều kiện tốt hơn cho người dân. Trong từng dự án phát triển nếu là dự án thương mại, nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận nhà. Các dự án thu hồi đất đều phải có dự án tái định cư được quy hoạch trước, được bố trí để xây dựng hạ tầng, được bố trí để người dân lựa chọn mô hình nhà cửa của mình, kèm theo đó có một bản kế hoạch về đền bù, hỗ trợ. Cùng với đó tính toán trong trường hợp có quỹ để sử dụng bảo trợ cho những người không có điều kiện để sản xuất, sinh kế.