Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Luật Kinh doanh bảo hiểm: Nhiều điểm mới, và tạo môi trường pháp lý thông thoáng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước

(Dân sinh) - Để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp (DN) tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 với 7 Chương, 157 Điều được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, nhiều loại bảo hiểm bắt buộc trước đây chính thức được bãi bỏ.

Quang cảnh họp báo tại Bộ Tài chính chiều ngày 15/9/2022

Quang cảnh họp báo tại Bộ Tài chính chiều ngày 15/9/2022

Chiều ngày 15/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu về Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Tại buổi họp báo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền cho biết: Tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08, quyết định bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc như: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của DN môi giới bảo hiểm.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền, việc bãi bỏ một số loại bảo hiểm bắt buộc trên nhằm phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong xã hội thời gian vừa qua.

Ngoài ra, tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều mục.

Cụ thể, về việc thành lập chi nhánh DN tái bảo hiểm nước ngoài. Tại Hiệp định thương mại dịch vụ Việt Nam- EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019 có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, Việt Nam đã cho phép DN tái bảo hiểm của EU thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định thương mại có hiệu lực.

Do đó, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh DN tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

Về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các DN bảo hiểm. Theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài. Để đảm bảo rõ ràng, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08 đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm.

Tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08 cũng bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật dân sự, dễ áp dụng trên thực tế.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận tiện và gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, Luật còn khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cũng như phương thức cung cấp sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Quang Huyền, với các quy định này, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên môi trường mạng, tuy nhiên việc cung cấp sản phẩm dịch vụ qua mạng cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định....

Không chỉ được chủ động trong kinh doanh, Luật còn cho phép doanh nghiệp chủ động trong lựa chọn tài sản đầu tư, đầu tư một phần vốn ra nước ngoài phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro.

Quy định về đầu tư này phù hợp với việc áp dụng mô hình quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Luật cũng bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, những điều không được làm... nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3%-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5% GDP.

Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2025 và 10%/năm giai đoạn 2026-2030.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023-2030. Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, 5 triệu đồng năm 2030.