Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lý giải nguyên nhân Covid-19 khiến cả thế giới phải lo sợ

"Đại dịch sợ hãi" đã song hành cùng Covid-19 từ những ngày đầu tiên. Có điều, nỗi sợ dành cho virus corona lớn hơn rất nhiều so với các dịch bệnh bình thường khác. Câu hỏi là tại sao?

Trong 2 tháng đầu năm 2020, thế giới đã phải chứng kiến không chỉ 1, mà là 2 dịch bệnh hoành hành cùng lúc. Đầu tiên là Covid-19 - dịch bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc), dần lan tỏa ra mọi châu lục và trở thành đại dịch toàn cầu. Còn đại dịch thứ hai, nó mang tên " sợ hãi.

Covid-19 là một dịch bệnh mới, một căn bệnh mà nhân loại chưa từng biết đến, nhưng nỗi sợ thì không mới. Về cơ bản thì dịch bệnh nào trong lịch sử cũng khiến con người lo sợ cả. Nhưng dịch bệnh lần này lại tạo ra nỗi sợ lây lan ở một mức độ kinh khủng, thậm chí còn hơn cả thực tế.

"Tại sao chúng ta sợ Covid-19 hơn các dịch bệnh khác?" - Yang Zhao - phóng viên của kênh CGTV đã đặt ra câu hỏi như vậy. Ví dụ như cúm mùa, thực ra có đủ bằng chứng cho thấy cúm là một mối đe dọa với cả thế giới. Nhưng nhân loại có sợ cúm không? Có lẽ là không!

Lý giải nguyên nhân Covid-19 khiến cả thế giới phải lo sợ: Khi virus mang đến đại dịch sợ hãi cho toàn cầu - Ảnh 1.

Đối với các nhà tâm lý học, nỗi sợ này thực ra không gây ngạc nhiên. Việc con người có những nỗi sợ hãi phi lý thực chất lại rất phù hợp với cái gọi là "nhận thức rủi ro" - risk perception - của chúng ta.

"Khi đánh giá về rủi ro, người ta thường sử dụng cảm xúc nhiều hơn là các phân tích logic." - Zhao cho biết. "Chúng ta vốn không phải là sinh vật nghiêng về lý trí."

Nỗi sợ những cái mới

Có nhiều yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến hiểu biết và cảm nhận của chúng ta về virus corona lần này (SARS-CoV-2). Đầu tiên, đây là virus chủng mới - tức là chúng ta chưa biết đến nó, và nó làm mức độ lo lắng trong cộng đồng tăng lên. Phản ứng này được cho là có liên quan đến hạch hạnh nhân trong não - nơi chịu trách nhiệm phát hiện những cái mới, và xử lý tạo ra nỗi sợ.

"Các nghiên cứu cho thấy hạch hạnh nhân hoạt động mạnh hơn khi ứng viên quan sát một khóm hoa lạ ở thời điểm ngay sau khi nhìn thấy ảnh của một con rắn." - Zhao tiếp tục.

Cúm mùa có thể nguy hiểm, nhưng nó quen thuộc nên chẳng mấy ai lo lắng. Phản ứng này cũng lý giải vì sao người ta thấy run sợ trước những vụ tai nạn máy bay hơn các phương tiện khác, dù ô tô mới là thứ gây chết người nhiều hơn. Âu cũng bởi máy bay ít khi xảy ra tai nạn hơn mà thôi.

Lý giải nguyên nhân Covid-19 khiến cả thế giới phải lo sợ: Khi virus mang đến đại dịch sợ hãi cho toàn cầu - Ảnh 2.

Khi sợ hãi, con người ta sẽ có xu hướng tìm hiểu về nó. Bạn lên mạng, tìm kiếm mọi thông tin về virus chủng mới, và điều này kích hoạt một cơ chế khác ảnh hưởng đến sự hiểu biết bạn về dịch bệnh mới: "Thiên vị tiêu cực" - negativity bias.

Chúng ta dễ tin vào những điều tiêu cực

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ của chúng ta khi nhận được các kích thích tố mang tính chất tiêu cực sẽ hoạt động mạnh hơn so với các yếu tố tích cực. Cơ chế này trở thành bản năng, khiến cho đa số chúng ta tỏ ra rất nhạy cảm khi nghe đến các tin tức xấu, và bị kích thích để tìm kiếm nhiều thông tin như vậy hơn. Bởi lẽ, các tin tức xấu có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến bản năng sinh tồn và sinh sản của con người.

Đây là một sản phẩm của quá trình tiến hóa đã để lại. Nó cho phép chúng ta cảnh giác hơn trước các mối nguy tiềm ẩn. Có điều ít nhất là trong đại dịch lần này, bạn có thể đã trở thành nạn nhân của nó.

Lý giải nguyên nhân Covid-19 khiến cả thế giới phải lo sợ: Khi virus mang đến đại dịch sợ hãi cho toàn cầu - Ảnh 3.

Hãy thử nhớ lại trong suốt 2 tháng qua, bạn có bao giờ cảm thấy mình không thể rời tay khỏi chiếc điện thoại của mình? Bạn liên tục cầm nó lên, kiểm tra các tin tức mới nhất về dịch bệnh, rồi không dừng lại được? Đó là bởi bạn đã vô thức rơi vào cái gọi là "vòng lặp thói quen" - habit loop.

Cứ mỗi thông tin tiêu cực xuất hiện sẽ trở thành một "động lực". Chúng kích thích bạn tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin, biến nó thành một "thói quen". Mỗi lần tìm ra tin mới, não bộ lại bị kích động giống như để "thưởng" cho bạn, và phần thưởng lại liên hệ chặt chẽ với "động lực". Động lực - thói quen - phần thưởng - cả ba tạo thành một vòng lặp mà bạn sẽ khó lòng thoát ra.

Sản phẩm của quá trình tiến hóa: Sợ theo nhóm

Con người là loài sinh vật có tính cộng đồng. Chúng ta đã tiến hóa để cảm thấy tò mò, chú ý hơn vào những gì được nhiều người quan tâm - hay còn gọi là sự hòa nhập.

Lý giải nguyên nhân Covid-19 khiến cả thế giới phải lo sợ: Khi virus mang đến đại dịch sợ hãi cho toàn cầu - Ảnh 4.

Khi một tình huống khẩn cấp xảy ra, chính tâm lý này sẽ khiến nỗi sợ lây lan từ người sang người, tạo ra những cơn hoảng loạn trong cả cộng đồng. Điều này lý giải cho hiện tượng người dân các nước hoảng sợ lao đến các siêu thị, gom sạch nhu yếu phẩm ngay khi có tin dịch bệnh nổ ra.

Đáng lo hơn là từ nỗi sợ, người ta dần hình thành nên các định kiến không đúng về virus chủng mới, và từ đó dẫn đến sự kỳ thị dành cho một số cộng đồng.

Người phụ nữ bị tấn công tại Mỹ chỉ vì là người Trung Quốc

"Tôi sợ virus, nhưng tôi không thể biết ai là người nhiễm. Vậy nên tốt nhất là tôi sẽ tránh xa cả cộng đồng nơi có người nhiễm xuất hiện." - Zhao lấy ví dụ. Đó là lý do vì sao chúng ta phải chứng kiến nhiều hành động mang tính chất phân biệt nặng nề với những người từ Vũ Hán, hoặc tỉnh Hồ Bắc, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là người Trung Quốc thôi.

Hiệu ứng "mắt bão"

Khi dịch bệnh lớn dần, chúng ta có thể được chứng kiến một số hiện tượng tâm lý có phần "phi trực giác". Chẳng hạn, nhiều người cho rằng những ai sống gần các ổ dịch sẽ cảm thấy sợ hãi, căng thẳng hơn người ở xa. Nhưng các nghiên cứu từ dịch SARS năm 2003 cho đến trận động đất đáng sợ tại Mân Xuyên (Trung Quốc) năm 2008, tất cả đều cho thấy một thực tế khác hẳn.

Khoa học gọi đây là hiện tượng "tâm bão". Về cơ bản, "tâm bão" là nơi yên ả, êm đềm nhất trong một trận cuồng phong. Tương tự như vậy, những người ở tâm dịch bệnh Vũ Hán lại có thái độ bình tĩnh hơn. Có thể là do họ đã đọc quá nhiều tin tiêu cực rồi, chẳng thứ gì khiến họ ngạc nhiên hơn được nữa. Hoặc cũng có thể, đây là cách họ chủ động thay đổi nhận thức về rủi ro để giảm bớt cảm xúc lo lắng khi ấy. Trái lại, những người ở bên ngoài lại có cảm giác lo sợ nhiều hơn cho thành phố này.

Lý giải nguyên nhân Covid-19 khiến cả thế giới phải lo sợ: Khi virus mang đến đại dịch sợ hãi cho toàn cầu - Ảnh 6.

Dù là lo lắng thái quá hay lo lắng quá mức thì đều có thể gây nguy hiểm

"Dù là lo lắng quá mức hay bình tĩnh quá mức, cả hai đều có thể gây nguy hiểm. Sự kỳ thị, thù địch, công kích và vu khống có thể mang đến tác hại lớn cho nhân loại. Chúng ta cần nhớ rằng khi nói đến những rủi ro, chúng ta không phải lúc nào cũng thông thái như mình tưởng đâu."

Nguồn: CGTV

Lý giải nguyên nhân Covid-19 khiến cả thế giới phải lo sợ: Khi virus mang đến đại dịch sợ hãi cho toàn cầu - Ảnh 8.