Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mạng xã hội đang trở thành “thiên đường” mua sắm của người Việt

Trong năm qua, 62,6% người tiêu dùng Việt coi mạng xã hội là phương tiện tìm kiếm thông tin về thương hiệu và sản phẩm. Con số này cao hơn cả các công cụ tìm kiếm như Google, Bing...

Người Việt có xu hướng gia tăng tìm hiệu thương hiệu sản phẩm trên mạng xã hội.

Người Việt có xu hướng gia tăng tìm hiệu thương hiệu sản phẩm trên mạng xã hội.

Công ty quảng cáo Adsota mới đây đã chính thức phát hành báo cáo“Repota 2022: Tối ưu chiến lược và công cụ tiếp thị cho tăng trưởng”.

Theo Repota 2022, giãn cách xã hội kéo dài khiến mạng xã hội trở thành công cụ quan trọng giúp người Việt duy trì kết nối với thế giới xung quanh. Có tới 75% người tiêu dùng Gen Z khi được hỏi sử dụng nhiều hơn 4 nền tảng mạng xã hội cùng lúc, Gen Y là 63%. Ngạc nhiên hơn, Gen X - thế hệ được coi là khó tiếp cận Internet và công nghệ, ghi nhận 62% người được hỏi sử dụng tới 3 nền tảng mạng xã hội cùng lúc.

Không những thế, mạng xã hội sẽ là “kinh đô mua sắm” mới của người tiêu dùng. Theo số liệu từ GWI, trong năm qua, 62,6% người tiêu dùng Việt coi mạng xã hội là phương tiện tìm kiếm thông tin về thương hiệu và sản phẩm. Con số này cao hơn cả các công cụ tìm kiếm như Google, Bing... (52,9%) hay các ứng dụng mua sắm trên điện thoại (37,9%).

Mặc dù vậy, để đưa ra quyết định mua sắm, người tiêu dùng Việt vẫn tin tưởng nhận xét từ người khác (90%) hơn là quảng cáo từ thương hiệu (30%). Do đó, để chinh phục người tiêu dùng hiện nay các doanh nghiệp cần đầu tư ngân sách vào mạng xã hội, đồng thời “bắt tay” với những “đồng minh” có tầm ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng như Influencer (người ảnh hưởng), KOC (khách hàng ảnh hưởng) hay các cộng đồng liên quan tới thương hiệu là chiến lược tiếp thị đáng để cân nhắc.

Hai năm đương đầu cùng đại dịch đã tạo ra những thói quen mới trong hành vi tiêu dùng. Dù nới lỏng giãn cách đã chấm dứt, người tiêu dùng Việt có cơ hội quay về lối sống trước đại dịch nhưng họ không làm vậy. Thời gian lên mạng trung bình của họ tuy có xu hướng giảm nhẹ (2,2%) nhưng thời lượng lên mạng qua thiết bị di động lại tăng tới hơn 3,5 tiếng/ngày, chiếm hơn ½ tổng thời gian lên mạng (Báo cáo Repota 2022).

Điều này cho thấy, người tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì lối sống trực tuyến song hành cùng ngoại tuyến trong thời gian tới, thứ giúp họ trải nghiệm cuộc sống linh hoạt, thuận tiện và đầy đủ hơn.

Dữ liệu từ Repota cũng cho thấy, video tới nay vẫn là dạng nội dung được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, đồng thời cũng là dạng nội dung có tỷ lệ chuyển đổi tốt nhất. Có tới 94,3% người tiêu dùng Việt độ tuổi 16 - 64 theo dõi video hàng tuần. Ngoài ra, cứ 10 người dùng Internet thì có đến 4 người thích và mua hàng nhờ xem video do thương hiệu tạo ra (số liệu từ Global Webindex). Vì vậy, đây vẫn là dạng nội dung đáng để thương hiệu đầu tư.

Mặc dù vậy, trong năm qua, dạng nội dung Audio (âm thanh) trở nên vô cùng tiềm năng với người tiêu dùng Việt. Số liệu ghi nhận, dù thời gian lên mạng trung bình giảm, nhưng thời gian nghe nội dung âm thanh như Podcast hay Audiobook (sách âm thanh) vẫn không đổi (44 phút/ngày). Nguyên nhân chính khiến âm thanh “ghi điểm” là do tính đa nhiệm khi vừa có thể giúp người tiêu dùng tiếp thu nội dung, lại có thể vừa làm việc khác.