Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mạnh mẽ đào tạo nghề cho lao động nông thôn thích ứng với CMCN 4.0

(Dân sinh) - Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, sau khi có được sự đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm 10 năm triển khai đề án, ngành giáo dục nghề nghiệp dự kiến sẽ đề xuất với Chính phủ chương trình cho giai đoạn tiếp theo để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, đặc biệt có sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thích ứng với CMCN 4.0  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ còn 25% tổng lực lượng lao động, nhưng thu nhập từ lĩnh vực lao động chỉ còn 27% trong tổng thu nhập của người nông dân. Trong bối cảnh đó, người nông dân rất khó xác định đâu là nghề. Ngay trong nông nghiệp rất thay đổi. Khái niệm nghề rất đa dạng, luôn thay đổi. Nhưng đào tạo kỹ thuật không chỉ quan tâm đến kỹ thuật mà cả quy trình an toàn, quản trị cả chuỗi sản xuất, các tiêu chuẩn về an toàn, ứng dụng vào như thế nào. Phải làm thế nào tạo cho họ niềm tin về nghề. Ngày xưa cho con cá là không ổn, nhưng cho cái cần cũng chưa ổn. Phải cho họ kiến thức về thị trường, cho họ niềm tin, khát vọng vươn lên. Hiện đại hóa hợp tác xã, dùng 4.0 đưa vào. Muốn số hóa thì vẫn phải ghi chép trong các sổ sách, nhưng thói quen không bao giờ ghi chép thì không bao giờ số hóa, chuyển hóa thành thông tin được.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên cho biết lao động nông thôn phân theo rất nhiều trình độ và phân hóa theo tuổi, tuy nhiên có sự mất cân đối và không đồng đều. Cần phải khẳng định rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, không phải ngành nghề nào cũng phát triển lao động theo cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ một số lĩnh vực ngành nghề nhất định, còn lại đa số vẫn theo truyền thống. Trong thời gian tới sẽ tập trung mạnh mẽ đào tạo để chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn.

Anh Đàm Văn Thực, một tài xế lái xe công nghệ tại Hà Nội chia sẻ, do không được đào tạo nên bản thân anh đã nhiều năm bươn trải ở thành phố với nghề xe ôm công nghệ sau hơn 10 năm làm xe ôm truyền thống, nghề mà đem lại cho anh Thực thu nhập ổn định. Do quê quán ở ngoại thành hơn 10 – 15 năm trước ít nghề, chính quyền thôn xã cũng ít quan tâm. Bây giờ cần phải nên hướng nghiệp ngay từ lúc các bạn còn học lớp 9 để các cháu có định hướng lựa chọn nghề. Ở nông thông tin nhận biết về việc học nghề đối với các phụ huynh là rất lờ mờ. Anh Thực có cháu học lớp 8, nhất định hướng cho con có một cái nghề, ngay từ cấp 2. Nếu có phép màu trở về thời kỳ 18 đôi mươi anh Thực sẽ chắc chắn lựa chọn học nghề.

Ở một lối rẽ khác, Anh Hoàng A Dê, 28 tuổi, Mai Châu, Hòa Bình đã học cao đẳng sư phạm nhưng thất nghiệp. Sau đó được huyện cho đi học lớp học nghề du lịch. May mắn sau khi học nghề xong, bởi vì ở quê, không có điều kiện đi học, nên học tiếng Anh trên điện thoại, máy tính, rồi xin đi làm hướng dẫn ở Mai Châu. Qua quá trình tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài nên bổ sung được vốn từ rất nhiều. Tuy nhiên, do COVID nên lại thất nghiệp. Cháu mở một cửa hàng bán thổ cẩm cho mẹ ở quê. Thực sự là một ngã rẽ đối với một bạn trẻ.

Chia sẻ về công tác đào tạo lao động nông thôn thời 4.0, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, Đề án 1956, đây là đề án vô cùng ý nghĩa với sự nghiệp chính trị, phát triển kinh tế nông nghiệp. Người nông thôn ngày xưa không biết kinh doanh, không biết vận hành tham gia vào một mô hình tự động hóa. Họ được đào tạo ngắn hạn thì vào vị trí cụ thể họ có thể làm được. Nhưng sứ mệnh của đề án 1956 không thể dừng lại tại đây. Thời đại hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao thông minh, là phạm trù rộng bao gồm: trồng cây, thủy hải sản, chế biến gỗ... Giờ phút này nếu Chính phủ, Trung ương không tiếp tục chắc chắn sẽ bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi 4.0, thậm chí thế giới đang bắt đầu nhen nhóm 5.0, là cung ứng dịch vụ đến từng cá thể, kết nối mở rộng thông qua trí tuệ nhân tạo. Giai đoạn tới cần đào tạo mạnh hơn nữa ở các cấp độ như đối với lao động chuyển đổi nghề, đào tạo trình độ trung cấp, đáp ứng vị trí, việc làm trong doanh nghiệp, chuỗi cung ứng lao động nông thôn.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai 10 năm, năm nay mang ý nghĩa là dấu mốc quan trọng để đánh giá, tổng kết đề án. Kể từ khi triển khai đề án từ năm 2010 tới nay, nguồn nhân lực đã qua đào tạo tăng từ 40% tới 65% làm thay đổi cơ cấu nhân lực, trong đó có lao động nông thôn từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đã có nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở các địa phương phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như ở Thái Nguyên, mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại chính khu công nghiệp Samsung, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Công ty may PMV, chưa đầy 10 năm họ đào tạo được gần 9.000 lao động, có việc làm, có thu nhập, bình quân 7 triệu/tháng. Họ không đào tạo tập trung mà tổ chức thành 13 chi nhánh. Xét tổng thể, đề án được triển khai thành công. Trong giai đoạn tới, giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại, trong đó cấu phần quan trọng là đào tạo lao động nông thôn, tập trung nâng cao chất lượng lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ như mô hình kinh tế hộ gia đình, tiểu thương. Sau khi có được sự đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm 10 năm triển khai đề án, ngành giáo dục nghề nghiệp dự kiến sẽ đề xuất với Chính phủ chương trình cho giai đoạn tiếp theo để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, đặc biệt có sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.