Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mặt cầu Long Biên bị thủng lỗ lớn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Sáng 28/5, trên mặt cầu Long Biên (Hà Nội) xuất hiện một lỗ thủng lớn với nguyên nhân được xác định là do xe ba gác chở hàng nặng gây ra.

Vị trí bị thủng trên mặt cầu Long Biên. Nguồn: QĐND

Vị trí bị thủng trên mặt cầu Long Biên. Nguồn: QĐND

Báo VietNamnet đưa tin, vào khoảng 10h sáng 28/5, một xe ba gác chở hàng nặng đi qua đây đã gây ra một lỗ thủng có đường kính khoảng 1,2 x 0,6m trên mặt cầu Long Biên. Theo đó, vị trí lỗ thủng lớn nằm ở mặt cầu hướng từ ngã ba Hàng Đậu – Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) sang Ngọc Lâm (quận Long Biên).

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công ty Cổ phần đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu) đã nhanh chóng khắc phục xong sự cố này. 

Về nguyên nhân gây sập, do xe ba gác chở nặng đi qua đúng vị trí thanh thép đỡ mặt đường bị yếu. Tình trạng các thanh thép bị mục bên trong, không quan sát được bằng mắt thường nên mặc dù đơn vị định kỳ kiểm tra cũng không thể phát hiện. 

Theo báo Công an nhân dân, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, mặt cầu Long Biên đã 2 lần bị thủng lớn. Trước đó, vào ngày 4/5, cũng trên cầu Long Biên, phần đường dành cho người đi bộ cũng bị gãy một tấm đan, tạo thành một lỗ thủng to ước một người lớn chui lọt, nhìn thấy cả các bộ phận, kết cấu cầu phía bên dưới. Ngay sau khi phát hiện, đơn vị đã cho lắp ngay tấm đan mới, để đảm bảo an toàn cho người đi bộ trên cầu.

Được biết, năm 2022, kinh phí bảo trì cho cầu Long Biên khoảng 8 tỷ, đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu. Trong đó, quý 1, đơn vị đã thực hiện sơn 2.000m2, thay gần 100 tà vẹt gỗ, duy tu tổng hợp 250m, còn lại là bảo quản, vá mặt đường bộ những chỗ bị bong bật. Hiện đơn vị đã ghi đầu tên sửa chữa định kỳ các hạng mục hư hỏng, cần ưu tiên sửa chữa thời gian tới.

Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1899, khánh thành vào ngày 28/02/1902, cầu có chiều dài là 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Là một trong 7 cây cầu huyết mạch bắc qua sông Hồng khu vực Hà Nội, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Những năm 1980 và trước đó cầu Long Biên chủ yếu phục vụ xe đạp, người đi bộ. Khi cầu Chương Dương quá tải, cây cầu trăm tuổi này phải cõng thêm hàng nghìn lượt xe máy mỗi ngày. Đây cũng là một trong những lý do khiến cầu xuống cấp nhanh.