Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mèo Vạc (Hà Giang): Nhiều cách làm sáng tạo giúp người dân thoát nghèo

(Dân sinh) - Mèo Vạc, là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, toàn huyện Mèo Vạc đã có 5.325 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 6%/năm.

 Đến năm 2020, cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo tại các Nghị quyết, kế hoạch đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Từ các chính sách đầu tư hỗ trợ của Chương trình đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày một nâng lên rõ rệt, nhất là những hộ nghèo, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Mèo Vạc (Hà Giang): Nhiều cách làm sáng tạo giúp người dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Cán bộ, đảng viên xã Pả Vi thăm mô hình chăn nuôi bõ vỗ béo của chị Vừ Thị Dí, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc).

Để đạt được những thành tựu trên, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, huyện đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, hướng đến giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, huyện Mèo Vạc đã triển khai rất hiệu quả "Chương trình Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo" và "Công tác giải quyết việc làm cho lao động đi làm việc tại Trung quốc theo "Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới".

Nhằm tạo ra sự đột phá, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hộ nghèo, người nghèo có thêm cơ hội để vươn lên thoát nghèo, cũng như đổi mới cách tiếp cận, giúp đỡ hộ nghèo. Ban thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành kế hoạch về việc giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo hằng năm và phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc đã góp phần khơi dậy truyền thống đoàn kết nhân ái của người Việt Nam, từ các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, các Sở, ngành được tỉnh phân công giúp đỡ các xã khó khăn của huyện đến các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND-UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên và toàn thể người dân trên địa bàn huyện đã tham gia vào hoạt động này, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để chăm lo cho người nghèo một cách thiết thực.

Trên cơ sở phân công phụ trách các xã, thị trấn các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành được giao phụ trách các xã đã xuống cơ sở phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn triển khai họp và tổ chức phân công cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện xuống tận hộ tiến hành rà soát, đánh giá nguyên nhân, nguyện vọng của hộ nghèo, qua đó xây dựng phương án hỗ trợ giúp phù hợp cho những hộ nghèo nhằm giúp hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Để đảm bảo hiệu quả chương trình, các cơ quan, cá nhân được giao phụ trách hộ đã tiến hành lập biên bản và cam kết hỗ trợ hộ cũng như cam kết trách nhiệm của hộ khi được hỗ trợ, giúp đỡ và tiến hành trợ giúp  theo nhu cầu, hoàn cảnh, điều kiện thực tế của gia đình để giúp đỡ hộ bảo đảm thoát nghèo bền vững. Hỗ trợ công cụ, phương tiện, vật tư sản xuất, cây con giống vốn. Vật tư, vật liệu để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, phượng tiện, dụng cụ phục vụ đời sống sinh hoạt.

Hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Tư vấn học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm. Hỗ trợ cải thiện nhà ở. Hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội tiếp cận các dịch vụ xã hội công về giảm nghèo như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế, hỗ trợ pháp lý. Kêu gọi cộng động xã hội đóng góp vật chất để hỗ trợ cho hộ nghèo và làm cầu nối giữa các chính sách hỗ trợ với các hộ nghèo.

Bên cạnh các hỗ trợ trên, các cơ quan, đơn vị, các cá nhân được giao phụ trách đã hướng dẫn người dân xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, cách chi tiêu hợp lý…để phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau 5 năm thực hiện Chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy "Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo" đã có trên 6.976 hộ nghèo được giúp đỡ hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, 4.882 hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sự giúp đỡ này. Đây được xem là cách làm hiệu quả, có thể nhân rộng khắp các địa phương trên toàn tỉnh. Việc làm này đã khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, đảng viên, đưa công tác xóa đói giảm nghèo đi vào chiều sâu bền vững.

Cùng với đó, huyện triển khai chính sách giải quyết việc làm cho lao động đi làm việc tại Trung Quốc theo "Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới".

Với đặc thù là huyện có đường biên giới với Trung Quốc, những năm trước tình hình lao động của huyện sang Trung Quốc làm thuê trái phép rất lớn đã tạo ra rất nhiều hệ lụy như người lao động như: Không được trả tiền công, nhiều người bị trục xuất về nước do không có đủ giấy tờ hợp pháp làm ảnh hưởng đến công tác quản lý dân cư, an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt có trường hợp người lao động bị chết gây thiệt hại cho gia đình và cho chính người lao động... Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2016, UBND huyện nội dung ký kết với huyện Phú Ninh và huyện Nà Pô, Trung Quốc "Biên bản thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới". Biên bản này với 19 nội dung, quy định cụ thể về cách thức quản lý và tiếp nhận lao động huyện Mèo Vạc đã và sẽ làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Ninh, huyện Nà Pô, Trung Quốc. Một số điểm nổi bật trong biên bản này là các lao động đang làm việc tại một số công ty ở Phú Ninh trước khi biên bản được ký kết sẽ được phía các cơ quan chức năng huyện Phú Ninh gửi danh sách và hồ sơ về huyện để cùng phối hợp quản lý; khi các công ty ở huyện Phú Ninh, huyện Nà Pô có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ gửi văn bản về số lượng lao động, ngành nghề tuyển dụng cho huyện Mèo Vạc để tuyên truyền đến người dân có nhu cầu việc làm đăng ký... Đặc biệt, nếu người lao động có xảy ra tranh chấp tiền lương, xảy ra tai nạn, thương vong mà không thỏa thuận được với đơn vị sử dụng lao động thì cơ quan chức năng hai huyện sẽ phối hợp giải quyết. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai bên đã góp phần tăng cường quản lý lao động, thúc đẩy hợp tác, đáp ứng nhu cầu lao động bên Trung Quốc đang cần, giúp cho người lao động của huyện, đặc biệt số lao động nông nhàn có việc làm và thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Kết quả, từ năm 2016-2020, đã có 1.305 lao động của huyện đi làm việc theo chương trình này, đặc biệt trong năm 2018 và năm 2019 trên cơ sở nhu cầu của người lao động, một số huyện trong tỉnh đã có lao động đi làm việc theo chương trình này của huyện Mèo Vạc.