Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mỗi năm, tại Việt Nam có gần 46.000 bé gái không được chào đời do định kiến giới

Với quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” và tâm lý ưa thích con trai cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ khiến cho hàng chục nghìn bé gái tại Việt Nam không được chào đời. Tình trạng thừa đàn ông thiếu phụ nữ khiến nguy cơ đến năm 2034 sẽ có khoảng 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi từ 15-49 “ế vợ”.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ khiến tỷ lệ chênh lệch giới tính ngày càng tăng.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ khiến tỷ lệ chênh lệch giới tính ngày càng tăng.

Nằm trong “Top” 3 quốc gia có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tại châu Á

Là một trong những quốc gia xuất hiện sự mất cân bằng giới tính khi sinh muộn hơn các quốc gia khác, nhưng tại Việt Nam tỷ lệ mất cân bằng giới tính lại có xu hướng gia tăng rất nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2021 nhiều địa phương tỷ lệ này là 111,5 bé trai/100 bé gái.  Mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng với 115,5 bé trai/100 bé gái và thấp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long là 106,9 bé trai/100 bé gái. Sự chênh lệch mất cân bằng giới tính khi sinh giữa khu vực thành thị và nông thôn thuộc đồng bằng sông Hồng cũng cao nhất cả nước.

Nhóm các tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất tập ở 7 tỉnh phía Bắc. Trong đó 3 tỉnh có tỷ số số chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh với 125 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Đây cũng là tỷ số cao nhất thế giới.

Chia sẻ với báo chí tại Hội thảo tập huấn về bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh), bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia về giới và nhân quyền của UNFPA cho biết trong khi tỷ lệ “sinh tự” nhiên là 105 đến 106 trẻ em trai/100 trẻ em gái thì tại Việt Nam tỷ lệ này đã ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái. Việt Nam là nước có tỷ số giới tính khi sinh cao thứ 3 tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo dự đoán hàng năm, có khoảng 45,900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam. Nếu tình trạng chênh lệch giới tới khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, đến năm 2034 số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người. Nếu tỷ số giới tính khi sinh giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.

Bà Upala Devi, Cố vấn về giới Khu vực châu Á – Thái Bình Dương: “Tâm lý ưa thích có con trai và thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước hết là vấn đề bất bình đẳng giới và là hành vi vi phạm quyền con người của phụ nữ. Trẻ em gái và phụ nữ không ngừng bị định giá thấp. Và họ liên tục phải đối mặt với thái độ phân biệt đối xử, điều đó làm hằn sâu tâm lý bị đánh giá thấp vai trò và tiềm năng của bản thân đến mức nhiều gia đình trong xã hội chọn không sinh con gái – họ đã lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới để đảm bảo có con trai trong gia đình”.

Định kiến giới nguyên nhân chính        

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới được xác định là nguyên nhân chính gây nên mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Theo bà Naomi Kitahar, nguyên nhân của lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới xuất phát từ ba yếu tố. Đầu tiên là tâm lý ưa thích có con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi các cặp vợ chồng biết tin là đang mang thai con gái, họ có xu hướng bỏ cái thai đi vì muốn có con trai hơn. Yếu tố thứ hai là sự suy giảm và hạn chế mức sinh. Ở Việt Nam, mỗi gia đình thường chỉ được sinh hai con. Nếu bé đầu là gái, và lần mang thai thứ hai, hay lần mang thai cuối cùng, cũng được xác định là gái, các cặp vợ chồng thường nghĩ tới việc phá thai. Và yếu tố cuối cùng là sự hiện diện của công nghệ sinh sản đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, dù là ở thành thị hay nông thôn.

“Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến hệ lụy về mặt nhân khẩu học, bao gồm vấn đề mà các nhà nhân khẩu học gọi là “sức ép hôn nhân”, trong đó ngày càng có nhiều nam giới gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời”- bà Naomi Kitahar nói.

Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Đinh Huy Dương cho biết, xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam rất đáng lo ngại. Những xu hướng biến động này cho thấy thách thức to lớn trong việc đưa tỉ số xuống “dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra còn sống” vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết 21 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về Công tác dân số trong tình hình mới đề ra.

“Mặc dù các chính sách, chiến lược, chương trình của Việt Nam đã đề ra 3 nhóm giải pháp can thiệp nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh như đẩy mạnh tuyên truyền về nhận thức và hậu quả; ban hành các quy định nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi và đình chỉ thai nghén; cải thiện vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chủ yếu triển khai ở nhóm can thiệp thứ nhất, nhưng cũng chưa được đầy đủ, sâu, rộng, chưa tới được tất cả các đối tượng. Trong khi đó, các chế tài, quy định pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, chưa được giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng in tài liệu tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi; quảng bá các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi; cán bộ y tế tiết lộ về giới tính thai nhi, bằng chứng là rất nhiều phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi trước khi sinh…”, ông Đinh Huy Dương nói.

“Để ngăn chặn việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tâm lý “ưa thích có con trai”, đồng thời tôn vinh vai trò và giá trị của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình và xã hội, điều quan trọng là phải thúc đẩy sự thay đổi trong thái độ, hành vi của mọi người đối với việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, thay đổi thái độ, hành vi của mọi người không phải là việc có thể đạt được trong một sớm một chiều, và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong hành trình này” -Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh.