Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Một số kinh nghiệm giảm nghèo bền vững tại TP. Hồ Chí Minh

(Dân sinh) - Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn, luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo nhằm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và khu vực phòng thủ TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh đưa ra chỉ tiêu: Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình "Giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm". Điểm cơ bản và nổi bật ở đây là việc gắn chặt mục tiêu giảm nghèo bền vững với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố, coi giảm nghèo bền vững là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề, vừa là động lực và thước đo của sự phát triển bền vững, là yếu tố cơ bản bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện nay chuẩn hộ nghèo thành phố được nâng lên 28 triệu đồng/người/năm; chuẩn cận nghèo từ 28 triệu đồng/người/năm đến 36 triệu đồng/người/năm với 5 chiều nghèo cơ bản: Giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm và bảo hiểm xã hội; điều kiện sống; tiếp cận thông tin. Tính đến 31/12/2018 thành phố còn 3.767 hộ nghèo, tỷ lệ 0,19% trên tổng số hộ dân thành phố và 22.882 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,15% trên tổng số hộ dân thành phố. Về cơ bản thành phố không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chương trình giảm nghèo bền vững còn khó khăn

Để đạt được những kết quả to lớn nêu trên đó là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, tổ chức thực hiện của UBND thành phố và sự tham mưu đắc lực của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị 3 cấp TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn một số tồn tại hạn chế như sau: Một số địa phương, người dân tiếp cận thông tin về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới chưa được đầy đủ; trong nhận thức của một số cán bộ xã, phường, thị trấn, khu phố, ấp và người dân vẫn còn suy nghĩ đánh giá hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập (theo phương pháp tiếp cận nghèo cũ). Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc vận hành các hoạt động giảm nghèo theo phương pháp đa chiều còn lúng túng, gặp khó khăn.

Một số kinh nghiệp giảm nghèo bền vững tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn một số tồn tại hạn chế.

Lực lượng chuyên trách làm công tác giảm nghèo phường, xã, thị trấn thường xuyên thay đổi (do thu nhập thấp, tiền lương theo cơ chế bán chuyên trách, chính sách hỗ trợ từ bảo hiểm xã hội còn hạn chế…), trình độ và kinh nghiệm hạn chế do mới tiếp cận công việc; lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo cấp quận, huyện hưởng lương từ nguồn tiền lãi cho vay của Quỹ Xóa đói giảm nghèo (33 người) chưa yên tâm công tác do thu nhập thấp (không có thu nhập tăng thêm hàng quý và năm theo nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố) nên việc theo dõi, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo và tham mưu thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững ở một số địa phương chưa đảm bảo.

Bên cạnh những chỉ số thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cơ bản hoàn thành như chiều nghèo về y tế, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin… tỷ lệ kéo giảm một số chiều thiếu hụt xã hội còn chưa cao như thiếu hụt về diện tích nhà ở, bảo hiểm xã hội, trình độ giáo dục của người lớn, trình độ nghề. Nguyên nhân do một số hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, nhà ở còn chậm triển khai; việc kéo giảm các chỉ số thiếu hụt này còn phụ thuộc vào nhận thức của từng hộ nghèo và điều kiện khách quan (hộ thiếu hụt diện tích nhà, việc sửa chữa và xây dựng nhà có thủ tục phức tạp, liên quan đến quyền sở hữu tài sản, các quy định về xây dựng, quy hoạch, kế hoạch chỉnh trang đô thị chung của địa phương và thành phố) đã ảnh hưởng đến việc kéo giảm các chỉ số thiếu hụt này cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Những bài học kinh nghiệp khi thực hiện chương trình giảm nghèo

Từ những kết quả đạt được và hạn chế nêu trên trong công tác giảm nghèo bền vững thời gian qua, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Chính sách giảm nghèo bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho TP. Hồ Chí Minh.

Nhân tố quan trọng mang tính quyết định để thực hiện giảm nghèo có hiệu quả là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về giảm nghèo; Nhà nước tạo động lực thúc đẩy bằng các chính sách đầu tư công có hiệu quả và chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững như vốn vay, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, thu nhập, nhà ở, bảo hiểm, hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin... Đây là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho TP.Hồ Chí Minh, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có sức hút và sức lan tỏa cho các tỉnh Đông Nam bộ cùng phát triển.

Một số kinh nghiệp giảm nghèo bền vững tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Chính sách giảm nghèo bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho TP. Hồ Chí Minh.

Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy với phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thành phố xuống tận xã, phường, thị trấn.

Ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ đại hội Ban chấp hành Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo bền vững, giao cho HĐND, UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cấp thành phố, quận huyện và phường xã thị trấn. Huy động tối đa nguồn lực, phát huy tốt đa vai trò của các cơ quan tham mưu giúp việc đắc lực là Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội thành phố; phòng Lao động Thương binh và Xã hội, ngân hàng chính sách xã hội quận, huyện.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là ở phường, xã, thị trấn (kể cả tổ trưởng tổ tự quản giảm nghèo), chọn những người có trách nhiệm, có năng lực, gắn bó, sâu sát với nhân dân, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản của xã hội.

Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giảm nghèo để họ nắm, hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo; thường xuyên thực hiện thu thập thông tin về nghèo đa chiều trên địa bàn thành phố phục vụ cho việc dự báo, theo dõi, đánh giá, phân tích nguyên nhân nghèo; xây dựng các tiêu chí để đưa ra chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả. Tuyên truyền cho người dân phải nỗ lực thoát nghèo, đây là yếu tố quyết định giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo bền vững phải được thực hiện đồng bộ tất cả các chiều nghèo; kiểm tra, giám sát việc thực hiện

Dành một phần ngân sách thành phố, ngân sách quận, huyện, ngân sách cấp xã đầu tư cho các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo cơ chế có tính khuyến khích cao, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc huy động nguồn lực tại chỗ cũng như lồng ghép với các nguồn khác, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Tăng cường xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo, vận động các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, doanh nghiệp và vận động toàn dân tích cực tham gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng đầu tư cho 5 chiều nghèo cơ bản: Giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm và bảo hiểm xã hội; điều kiện sống; tiếp cận thông tin.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn lực, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí của chương trình không đúng mục đích, trái quy định, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Xây dựng đề án chiến lược giảm nghèo bền vững và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận cao của mọi người dân thành phố.

Giao Viện nghiên cứu phát triển thành phố phối hợp với các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng đề án chiến lược giảm nghèo bền vững cho thành phố Hồ Chí Minh trong từng giai đoạn nhất định nằm trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi được phê duyệt chiến lược giảm nghèo bền vững thành phố, tiến hành triển khai tổ chức thực hiện theo 3 cấp hành chính cụ thể, rõ ràng, phân cấp quản lý, trao quyền quyết định cho từng cấp phù hợp với năng lực tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng của địa phương.

Làm tốt công tác tuyên truyền cho người nghèo, hộ nghèo kết hợp với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào các hoạt động giảm nghèo, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, động viên, khích lệ, cổ vũ phong trào thi đua thoát nghèo trong mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến tận tổ dân phố, khu phố.