Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Một số nước ở Đông Nam Á phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 dễ lây lan nhanh gấp 10 lần

(Dân sinh) - Các nhà khoa học của Malaysia đã phát hiện biến chủng D614G của virus SARS-CoV-2 hồi tháng 7 năm nay và biến chủng này có khả năng lây lan nhanh gấp 10 lần so với chủng vi rút phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc)

Trung tâm Nghiên cứu Gen của Philippines ngày 17/8 cho biết, theo báo Dân trí, họ đã phát hiện chủng G614 của vi rút SARS-CoV-2 cùng với chủng ban đầu D614 ở một số mẫu xét nghiệm dương tính tại thành phố Quezon của nước này.

"Trong tháng 6, cả chủng D614 và G614 đều được phát hiện trong một số mẫu dương tính. Mặc dù thông tin này xác nhận sự xuất hiện của chủng G614 ở Philippines, nhưng chúng tôi cũng lưu ý rằng, tất cả các mẫu xét nghiệm này đều ở thành phố Quezon và có thể không thể hiện bức tranh toàn cảnh về biến chủng của SARS-CoV-2 trên toàn quốc", Trung tâm Nghiên cứu Gen Philippines cho hay.

Biến chủng này làm thay đổi axit amin ở vị trí thứ 614 từ D (axit aspartic) sang G (glycine). Biến chủng đó được gọi là D614G nghĩa là chủng D614 hiện đã chuyển thành G614.

Philippines là một trong những điểm nóng bùng phát Covid-19 tại Đông Nam Á. Trong ngày 16/8, Philippines ghi nhận thêm 3.420 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên 161.253 ca, trong đó gần 2.700 người đã tử vong.

Biến chủng G614 cũng được phát hiện ở Malaysia. Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah hôm qua 16/8 cho biết, các nhà khoa học của nước này đã phát hiện biến chủng D614G của virus SARS-CoV-2 hồi tháng 7 năm nay và biến chủng này có khả năng lây lan nhanh gấp 10 lần so với chủng vi rút phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc). 

Tuy nhiên, chuyên gia dịch tễ Awang Bulgiba Awang Mahmud thuộc Đại học Malaya cho rằng hiện chưa có bằng chứng để khẳng định sự xuất hiện của D614G tác động đến mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 ở Malaysia.

Trong một nghiên cứu đăng tải hồi tháng 7 trên tạp chí khoa học Cell, các chuyên gia chỉ ra, những bệnh nhân Covid-19 có chủng vi rút G614 có tải lượng vi rút cao hơn so với những bệnh nhân có chủng vi rút D614, song không đồng nghĩa với việc G614 có độc lực cao hơn D614.

Một số nước ở Đông Nam Á phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 dễ lây lan nhanh gấp10 lần  - Ảnh 2.

Virus SARS-CoV-2 là chủng virus đang gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu

"Chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy những người mang vi rút chủng G614 có thể lây truyền cao hơn so với những người mang biến chủng D614, sự đột biến này dường như không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả lâm sàng", Trung tâm Nghiên cứu Gen Philippines cho biết. Tuy vậy, cơ quan này cũng nhấn mạnh cần tiếp theo theo dõi biến chủng trên cũng như các biến chủng khác của vi rút SARS-CoV-2 để hiểu rõ hơn hướng tiến hóa của vi rút này nhằm phục vụ cho các chiến lược kiểm soát, chẩn đoán và điều trị.

Trước đó, Hàn Quốc cũng phát hiện 3 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 trên 3 bệnh nhân nhập cảnh từ Pakistan và Uzbekistan. Cả 3 đột biến đều xảy ra ở "gai protein" của vi rút đây là bộ phận giúp vi rút xâm nhập vào tế bào trong cơ thể người. Giới khoa học vẫn chưa thể khẳng định đột biến này có ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm của vi rút không. Đến nay, SARS-CoV-2 được phân loại thành 7 chủng, bao gồm S, V, L, G, GH, GR, các chủng còn lại chưa thể xác định rõ. Chủng phổ biến ở Hàn Quốc là GH, đột biến từ chủng S, có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Virus SARS-CoV-2 là chủng virus đang gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu. Đây là chủng virus có vật chất di truyền là một mạch dương RNA. Theo phân định của GISAID, chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu bao gồm 2 nhóm chính là L và S dựa theo 9 loại dấu hiệu nhận biết hay còn gọi là marker. Sau đó kiểu L biến đổi gen và phân thành 2 nhóm mới là V và G. Nhóm G tiếp tục biến đổi thành các nhóm GH và GR. Như vậy, cho tới nay chủng virus SARS-CoV-2 gồm 6 nhóm là GR, G, GH, S, L và V.

Tại thời điểm hiện tại, trên bình diện thế giới thì chủng mẹ G và các chủng G biến thể chiếm tới 74% (G: 23%, GH 22%, GR 29%). Tỉ lệ các nhóm biến thể được ghi nhận là khác nhau theo yếu tố địa lý. Nhóm GH chiếm tới 50% ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ thì nhóm GR chiếm ưu thế. Châu Đại Dương thì khá cân bằng giữa các nhóm biến thể. Ở Châu Phi, nhóm biến thể G chiếm ưu thế. Ở châu Á, nhóm G, GH và GR tăng nhanh trong thời gian qua.

Tính đến 5h sáng nay (17/8 giờ Việt Nam),theo VietnamNet,  đại dịch Covid-19 đã tấn công 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu là 21.813.167 ca, trong đó có 772.623 trường hợp tử vong. Số ca hồi phục là 14.547.333, theo thống kê của Worldometers.

Trong 24h qua, Ấn Độ là nước có số ca nhiễm mới nhiều nhất, 58.108, nâng tổng số người nhiễm virus ở nước này lên 2.647.316 trường hợp. Ấn Độ ghi nhận thêm 961 trường hợp tử vong vì virus corona.

5 quốc gia đứng đầu danh sách có số ca nhiễm trong ngày vượt 10.000 ca lần lượt là Ấn Độ cao nhất với 58.108 trường hợp, Mỹ có 35.131 ca, Brazil với 22.365 ca, Colombia với 11.643 ca và Colombo với 10.143 ca.

Một số nước ở Đông Nam Á phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 dễ lây lan nhanh gấp10 lần  - Ảnh 3.

Các nước đang chạy đua sản xuất vắc xin ngừa Covid-19

Tại Việt Nam, tính đến nay có tổng cộng 964 ca mắc Covid-19, trong đó 336 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay và 628 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 488 trường hợp.

Đã có 456/964 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Chiếm 47,3% tổng số tổng số ca bệnh. Trong khi đó, đã có 24 ca mắc Covid-19 tử vong, đa phần đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng.

Tính đến sáng ngày 17/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, có 70 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-2 lần.