Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Một số quy định về thẩm quyền ký hợp đồng lao động

Người lao động và người sử dụng lao động là các bên không thể thiếu trong quan hệ lao động và cũng chính họ là người ký hợp đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý, không phải ai cũng được đại diện ký loại hợp đồng này.

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Lao động năm 2019;

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;

- Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

2. Chủ thể có quyền ký kết hợp đồng lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc và quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Như vậy, hợp đồng lao động là hình thức pháp lý minh chứng cho mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trên thực tế, có nhiều trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu do người ký kết hợp đồng không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Vì vậy, người lao động cũng như người sử dụng lao động khi ký kết hợp đồng tham gia quan hệ lao động cần lưu ý đối với vấn đề này.

Theo đó, khoản 2 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng như sau:

“Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng với người lao động”.

56118-1572488318_750x0

3. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động

Khoản 3 điều 18 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định người giao kết, hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; cá nhân trực tiếp sử dụng lao động. Như vậy, nếu trưởng phòng nhân sự được ủy quyền hợp lệ từ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người lao động thì việc ký kết ấy được pháp luật công nhận.

Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 khá rộng, đó là:

- Thứ nhất, đối với phía người sử dụng lao động, người có thể có thẩm quyền giao kết hợp đồng đó là:

+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+ Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+  Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

- Thứ hai, đối với phía người lao động, người có thể có thẩm quyền giao kết hợp đồng đó là:

+ Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

+ Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

+ Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

+ Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

Khi giao kết hợp đồng lao động, về nguyên tắc, người lao động không được ủy quyền cho người khác, điều này thể hiện ý chí của các chủ thể, tôn trọng nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, một số trường hợp pháp luật cho phép người lao động có thể ủy quyền cho người đại diện của nhóm người lao động ký kết hợp đồng. Đó là đối với công việc theo mùa vụ theo quy định tại Điều 18 Bộ luật lao động 2019.

4. Giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền, hợp đồng lao động vô hiệu

Theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định:

- Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

+ Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;

+ Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;

+ Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

- Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

5. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

- Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

- Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:

+ Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;

+ Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

- Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.

Thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định tới hiệu lực của hợp đồng.

Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật và các bên sẽ tiến hành ký lại hợp đồng nếu có nhu cầu tiếp tục duy trì quan hệ lao động.