Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Một số thay đổi quan trọng liên quan đến mức lương tối thiểu kể từ 1/7/2022

Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022 (Nghị định số 38/2022/NĐ-CP).

Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022 (Nghị định số 38/2022/NĐ-CP).

 Đối tượng áp dụng của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP,  gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, gồm:

+ Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

+ Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

+ Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.

     1.Thay đổi mức lương tối thiểu của người lao động đã được đào tạo

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (Nghị định số 90/2019/NĐ-CP) hiện nay, tiền lương của người lao động phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định (như tốt nghiệp đại học, cao đẳng...).

Tuy nhiên, kể từ 1/7/2022, Nghị định số 90/2019/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.

Tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, Chính phủ không còn quy định đối với công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì tiền lương phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Như vậy, kể từ 1/7/2022, không còn bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề nói chung; người tốt nghiệp đại học, cao đẳng nói riêng (chỉ bắt buộc người sử dụng lao động trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng nêu trên).

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

video

2. Thay đổi về mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 2 Điều 58 Luật Việc làm năm 2013, về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/7/2022 có những thay đổi sau:

- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thấp nhất là:

+ Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (hiện nay 4.420.000 đồng/tháng).

+ Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (hiện nay 3.920.000 đồng/tháng).

+ Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (hiện nay 3.430.000 đồng/tháng).

+ Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (hiện nay 3.070.000 đồng/tháng).

- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất tiếp tục thực hiện như quy định hiện hành (29.800.000 đồng/tháng).

- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cao nhất từ ngày 1/7/2022 như sau:

- Vùng I: 93.600.000 đồng/tháng (hiện nay 88.400.000 đồng/tháng).

- Vùng II: 83.200.000 đồng/tháng (hiện nay 78.400.000 đồng/tháng).

- Vùng III: 72.800.000 đồng/tháng (hiện nay 68.600.000 đồng/tháng).

- Vùng IV: 65.000.000 đồng/tháng (hiện nay 61.400.000 đồng/tháng).

3. Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 38/2022/NĐ- CP: Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định: Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

- Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

+ Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

+ Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

4. Người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Căn cứ khoản 1 Điều 6 và khoản 3 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ (Nghị định số 12/2022/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

- Từ 40 - 60 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 đến 10 người lao động;

- Từ 60 - 100 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 đến 50 người lao động;

- Từ 100 - 150 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên, buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.