Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Một Việt Nam nồng hậu qua lăng kính của du học sinh Trung Quốc

Niềm đam mê ngôn ngữ tiếng Việt đã dẫn lối Lưu Dương, du học sinh Trung Quốc đến với mảnh đất hình chữ S. Nhưng việc khám phá về văn hóa, con người Việt Nam mới là những điều níu giữ cô ở lại.

Lưu Dương, một du học sinh Trung Quốc đến với mảnh đất hình chữ S.

Lưu Dương, một du học sinh Trung Quốc đến với mảnh đất hình chữ S.

Lưu Dương, 21 tuổi, đang theo học ngành Ngôn ngữ Tiếng Việt tại Đại học Dân tộc Quảng Tây, đồng thời là sinh viên trao đổi tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cảm động khi nhận được sự tiếp đón nhiệt tình và mến khách của người dân khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Trong khi đó Trung Quốc vẫn đang thắt chặt chiến dịch Zero Covid, học bổng Chính phủ Trung Quốc chính là “thẻ xanh” giúp Lưu Dương đặt chân đến đất nước mà cô dành tình cảm trong những năm tháng là sinh viên.

Bay từ Quảng Châu, Lưu Dương và nhóm bạn phải mặc đồ bảo hộ, có mã xanh hiệu lực trong 48 tiếng thì mới được xuất ngoại. Việc cấp hiệu lực visa cũng có phần khó khăn hơn khi tình hình dịch bệnh của Trung Quốc còn diễn biến phức tạp. Nhưng khi nghe những chia sẻ của Dương về việc học ngôn ngữ, sự giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia, chúng tôi cảm nhận được Dương dành nhiều tình cảm cho con người và mảnh đất Việt Nam như thế nào.

 Lưu Dương và du học sinh phải trải qua nhiều thủ tục xuất nhập cảnh chặt chẽ.

Lưu Dương và du học sinh phải trải qua nhiều thủ tục xuất nhập cảnh chặt chẽ.

Bén duyên với tiếng Việt

* Dương có thể chia sẻ lý do vì sao chọn tiếng Việt là ngành học của mình?

- Mình là người dân tộc Chuang ở Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là khu vực có biên giới giáp với phía Nam Vịnh Bắc bộ và các tỉnh phía Tây Nam Việt Nam (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh). Việc gần biên giới Việt Nam cho mình cơ hội tiếp cận với lối sống, con người của đất nước này. Niềm thôi thúc học và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt cũng từ đó mà xuất hiện trong mình.

Hơn nữa, bây giờ Trung Quốc và Việt Nam đang có nhiều giao lưu về văn hóa và kinh tế. Mình hy vọng có thể học thật tốt tiếng Việt và trở thành sứ giả giao lưu giữa hai quốc gia trong tương lai.

* Trong quá trình tiếp cận và học tiếng Việt, Dương thấy những điều gì đáng lưu tâm nhất? Có sự tương đồng hay khác nhau nào nổi bật giữa tiếng Việt và tiếng Trung không?

- Sau quá trình hai năm học tiếng Việt, mình thấy ngữ pháp và từ vựng của tiếng Việt khá khó. Thế nên mình đã dành nhiều thời gian để học từ vựng và ôn luyện lại ngữ pháp mỗi ngày. Tiếng Việt có từ Hán Việt, rất giống từ Trung Quốc nên mình thấy có kha khá nhiều từ mới tương đồng về mặt phát âm. Ví dụ như công an, hải quan…. Đương nhiên cũng có nhiều từ khác biệt hoàn toàn, cảm thấy học khó hơn nhiều. Tiếng Việt có từ láy rất đặc biệt, và khó học (cười). Nhưng từ Hán Việt cũng chiếm đến 80% đấy!

Ngoài ra, việc giao tiếp với người bản xứ giúp mình tiến bộ hơn trong quá trình học rất nhiều. Qua đó, mình đã biết thêm nhiều văn hóa mà chỉ có người Việt mới lưu hành, ví dụ như tiếng lóng.

* Dự định của Dương sau khi kết thúc chương trình đại học ngành ngôn ngữ tiếng Việt?

- Mình sẽ quay về Trung Quốc để học tiếp năm thứ tư ở Đại học Dân tộc Quảng Tây khi kết thúc chương trình trao đổi. Sau tốt nghiệp, mình muốn tiếp tục sang Việt Nam du học Thạc sĩ. Không biết tình hình dịch bệnh sẽ thế nào, nếu không thể đến Việt Nam thì mình sẽ học Thạc sĩ ngành ngôn ngữ tiếng Việt tại Trung Quốc. Nhưng mình rất thích Việt Nam, thật sự nếu được lựa chọn vẫn sẽ chọn đến Việt Nam học Thạc sĩ.

Lưu Dương cùng những người bạn Việt Nam tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội.

Lưu Dương cùng những người bạn Việt Nam tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Người Việt rất nồng hậu và thân thiện, mình cảm thấy được đón chào khi ở đây”

* Ở đây được một khoảng thời gian, Dương đã làm quen được với lối sống của Việt Nam chưa? Bạn có bị “sốc” văn hóa không?

- Dương vẫn chưa quen lối sống ở Việt Nam lắm. Ấn tượng sâu sắc của mình là đồ ăn ở Việt Nam có rất nhiều loại bún, phở, đặc biệt là cơm. Hai tuần đầu ở Việt Nam, mình bị nhiễm Covid-19, không muốn ăn đồ nóng nên rất thèm cơm trắng. Mình biết gạo Việt Nam rất nổi tiếng, được xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không ngờ là ngon đến vậy.

Một ấn tượng nữa là giao thông Hà Nội không thông thoáng lắm, hay bị tắc đường (cười). Trên đường phố có rất nhiều xe máy, mình nghĩ nếu không có xe máy thì đi đâu cũng không tiện lắm. Do vậy mình muốn mua một chiếc xe máy nhưng nghe nói không có bằng xe máy thì không được đi (cười). Cùng với đó, đường phố vẫn chưa được sạch lắm, đường đi lại hơi nhỏ một chút.

Bên cạnh ẩm thực, Lưu Dương còn ấn tượng với văn hóa đường phố Việt. Cô cảm nhận được đời sống của người dân qua cái hối hả của xe cộ.

Bên cạnh ẩm thực, Lưu Dương còn ấn tượng với văn hóa đường phố Việt. Cô cảm nhận được đời sống của người dân qua cái hối hả của xe cộ.

* Tiếp xúc với người Việt Nam, Dương thấy tính cách của người Việt như thế nào?

- Ngày đầu đến Việt Nam, khi xuống máy bay đã có bạn Việt Nam đón và đưa bọn mình về kí túc xá. Đã rất muộn rồi vậy mà các bạn ấy vẫn rất nhiệt tình đưa mình và các bạn đi siêu thị mua đồ. Lúc mới qua, mình vẫn chưa thông thạo tiếng Việt, nói chuyện với các bác bán hàng khá khó khăn. May mắn là có các bạn ấy giúp đỡ, các bạn biết tụi mình cần mua những thứ gì, phiên dịch lại và từ từ hướng dẫn bọn mình mua đồ.

Có một lần người Việt Nam nghe thấy tụi mình nói chuyện bằng tiếng Trung, mọi người không cảm thấy kỳ lạ mà còn rất hoan nghênh du học sinh đến Việt Nam. Các bạn trong lớp và thầy, cô ở đây cũng nhiệt tình giúp đỡ mình lắm, có khó khăn về quá trình nhập học hay giấy tờ mọi người đều nhanh chóng tìm cách giải quyết.  Mình thấy người Việt Nam rất nồng hậu và thân thiện, mình luôn cảm thấy được yêu thương khi ở đây.

Lưu Dương cùng các bạn thăm thú Thủ đô Hà Nội.

Lưu Dương cùng các bạn thăm thú Thủ đô Hà Nội.

* Trong khoảng thời gian ở Việt Nam, Dương có mong muốn, nguyện vọng gì không?

- Mong muốn thì nhiều lắm! (Cười). Ngoài học tập tại trường đại học, mình mong có cơ hội tìm hiểu văn hóa Việt Nam và đi thăm thú những địa điểm nổi tiếng tại đây. Mình muốn kết thêm nhiều bạn ở Việt Nam, tiếp theo là muốn đi du lịch những địa điểm nổi tiếng tại đây, từ Bắc xuống Nam. Trung Quốc có một câu ngạn ngữ là: “Đọc vạn cuốn sách không bằng bước vạn dặm đường”. Có cơ hội được tham quan nhiều địa điểm khác nhau, được hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam, đây là mong ước lớn nhất của mình trong mười tháng ở Việt Nam.

* Cảm ơn Lưu Dương đã dành cho Dân Sinh cuộc trò chuyện chân tình này!