Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mua bán, cầm cố sổ BHXH: Người lao động chịu nhiều hệ lụy khôn lường

(Dân sinh) - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa cảnh báo tình trạng mạo danh cơ quan BHXH trên trang mạng xã hội để nhận rao bán, thanh lý sổ BHXH trước thời hạn nhằm trục lợi của công nhân. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, đồng thời gây nhiều khó khăn cho cơ quan BHXH, doanh nghiệp có người tham gia BHXH.

Theo BHXH Việt Nam, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, công nhân mất việc làm tăng cao, đời sống khó khăn, nhiều đối tượng đã lập trang mạng xã hội Facebook giả mạo cơ quan BHXH để thu gom, mua bán sổ BHXH. Việc mạo danh cơ quan BHXH để trục lợi đã gây ảnh hưởng lớn đến người lao động và uy tín của cơ quan BHXH, đây là hành vi vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự.

Mua bán, cầm cố sổ BHXH: Người lao động chịu nhiều hệ lụy khôn lường - Ảnh 1.

Mới đây nhất là việc xuất hiện một số trang Facebook giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương - tỉnh này tập trung rất đông công nhân, người lao động làm việc, để rao mua bán sổ BHXH. Trong khi đó, cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương nêu rõ không có và không sử dụng trang facebook chính thức nào, điều đó chứng tỏ các tài khoản facebook lấy tên BHXH tỉnh Bình Dương đều là giả mạo. Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, BHXH tỉnh Bình Dương đã cho tiến hành xác minh thông tin và đã thực hiện một số công việc có liên quan. Điều đáng nói, BHXH Bình Dương chỉ là một trong rất nhiều đơn vị bị mạo danh. Có hàng chục trang mạng xã hội như thế này đã được lập ra để thu mua, thậm chí cầm cố sổ bảo hiểm xã hội từ người lao động.

BHXH Việt Nam cho biết, sổ bảo hiểm xã hội ghi nhận lại toàn bộ quá trình đóng tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động. Những người bán sổ, cầm cố sổ BHXH tại ngân hàng, hiệu cầm đồ, không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH. Trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan BHXH phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ. Với trường hợp đã được cấp lại với lý do mất sổ và đã đem sổ mới cấp đi giải quyết chế độ lĩnh BHXH một lần, người lao động không thể đem sổ nhận thế chấp đi lĩnh chế độ BHXH trùng một lần nữa. Cá nhân hay đơn vị nhận cầm cố sổ BHXH cũng không thể dùng sổ BHXH đó để lĩnh hộ lương hưu hay lĩnh BHXH một lần.

Do việc hưởng chế độ BHXH mang tính đặc thù, gắn liền với nhân thân của một cá nhân nhất định và đối tượng hưởng được luật quy định cụ thể nên cơ quan BHXH phải thực hiện việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH đúng đối tượng và tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu ngân hàng không được người lao động ủy quyền theo luật định thì cơ quan BHXH không thể chi trả tiền chế độ BHXH của người lao động cho ngân hàng.

Mua bán, cầm cố sổ BHXH: Người lao động chịu nhiều hệ lụy khôn lường - Ảnh 2.

Tuy nhiên, do gặp lúc khó khăn, nhiều lao động đã đem bán cuốn sổ này theo kiểu bán lúa non hoặc tệ hơn, đem cầm cố để vay nóng các đối tượng tín dụng đen. Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khuyến cáo, người dân không nên tin vào các thông tin bịa đặt của các trang mạng giả mạo thu mua sổ, việc bán hoặc cầm cố sổ BHXH để giải quyết những vấn đề trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài. Đây là hành vi lừa đảo, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã báo cáo các cơ quan chức năng khởi tố, xử lý vụ việc theo quy định.

Trước tình trạng này, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết: "Do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn ra đã gây nhiều xáo trộn, khó khăn trong cuộc sống của nhiều người lao động, khiến họ có nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập, chúng tôi rất chia sẻ với người lao động. Tuy nhiên, trong xã hội không phải ai cũng may mắn có cuốn sổ BHXH làm vốn để giành cho mình. Tôi nghĩ giai đoạn khó khăn này rồi sẽ qua đi, sổ BHXH nếu còn giữ được sẽ được sử dụng trong thời khắc khó khăn hơn sau này (chẳng hạn khi tuổi già). Do đó, cơ quan BHXH rất mong người lao động cân nhắc thận trọng để giữ lại tài sản này, vì nếu chuyển sổ BHXH cho người khác trước tiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến quyền hưởng an sinh xã hội của chính bản thân NLĐ (phải nhận số tiền ít hơn số tiền BHXH họ đáng được hưởng, trong trường hợp chưa đủ 12 tháng nghỉ việc mà họ có việc làm tiếp tục đóng BHXH thì sổ BHXH cũ sẽ không là căn cứ để giải quyết hưởng BHXH 1 lần khi đó tranh chấp giữa người lao động và người giữ sổ BHXH sẽ rất phức tạp). Việc NLĐ chuyển sổ BHXH cho người khác có thể tiếp tay cho hành vi phạm pháp luật và gây bất ổn trong xã hội đặc biệt trong thời điểm toàn hệ thống chính trị đang tập trung cho phòng chống dịch".

Khẳng định hành vi thu gom sổ BHXH của các tổ chức này vi phạm pháp luật, bà Đinh Thị Thu Hiền cho biết them: Pháp luật về BHXH hiện hành có quy định hành vi bị nghiêm cấm khi chiếm dụng tiền hưởng BHXH hoặc khi làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, hậu quả của việc thu gom sổ BHXH mà ảnh hưởng làm giảm quyền hưởng BHXH của người lao động thì cũng sẽ vi phạm pháp luật.

"Đối với cơ quan BHXH, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người lao động hiểu rõ tầm quan trọng của cuốn sổ BHXH và rất mong người lao động thận trọng trong việc chuyển giao sổ BHXH cho cá nhân, tổ chức khác vì có thể dẫn đến những thiệt hại về vật chất thậm chí cả tinh thần của NLĐ trong trường hợp sau này họ muốn khôi phục lại thời gian đã đóng BHXH trên sổ bhxh cũ cũng không thể được. Về biện pháp, trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan BHXH sẽ cung cấp hồ sơ, cung cấp thông tin và đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân liên quan"- Bà Đinh Thị Thu Hiền nhấn mạnh.