Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mưa lớn gây ngập sâu, chia cắt nhiều tuyến đường miền núi Quảng Nam

Mưa lớn khiến sạt lở đất trên tuyến đường quốc lộ 40B tại Km110+600 thuộc địa phận xã Trà Don (Nam Trà My) khiến các phương tiện lưu thông gặp khó khăn.

Lực lượng chức năng giúp dọn dẹp bùn đất tràn vào nhà dân. (Cổng TTĐT tỉnh Quảng Nam)

Lực lượng chức năng giúp dọn dẹp bùn đất tràn vào nhà dân. (Cổng TTĐT tỉnh Quảng Nam)

Theo lãnh đạo huyện Nam Trà My (Quảng Nam), do ảnh hưởng của mưa lớn khiến ngầm sông Trường và sông Oa trên quốc lộ 40B tại xã Trà Tân (Bắc Trà My) nước dâng cao và chảy xiết, giao thông lên các xã vùng cao Bắc Trà My và huyện Nam Trà My bị cô lập.

Mưa lớn cũng khiến sạt lở đất trên tuyến đường quốc lộ 40B tại Km110+600 thuộc địa phận xã Trà Don (Nam Trà My) khiến các phương tiện lưu thông gặp khó khăn. Nhiều khu vực nhà dân cũng có dấu hiệu bị trượt lở đất. Hiện, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp để khắc phục.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, trong 24 giờ qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to như: Tam Trà 313mm, Hiệp Đức 283mm, Quế Lưu 275mm, Tiên Phước 270mm, Trà My 188mm... Mô hình độ ẩm đất cho thấy độ ẩm đất ở các địa phương Quảng Nam đã đạt trạng thái gần bão hoà (trên 95%). Dự báo trong 6 giờ tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc các huyện Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; chủ động di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét. 

Đồng thời, triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Chủ động phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên theo tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ tại các địa phương. 

Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn trên biển và hải đảo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển được biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra...